Chỉ trong 1 thời gian ngắn, căn bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em đã khiến cả thế giới hoảng loạn với số ca mắc tăng nhanh chóng mặt. Điều đáng sợ là không ai biết chính xác nguyên nhân và cũng chưa tìm ra thuốc đặc trị.
Trong khi toàn nhân loại còn chưa hết bàng hoàng, xót xa bởi những tác hại khủng khiếp của đại dịch COVID-19 thì lại đứng ngồi không yên vì mối đe dọa từ viêm gan cấp tính ở trẻ em. Bệnh này tấn công vào trẻ em từ 1 tháng đến 16 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi.
Vào cuối tháng 3 năm 2022, Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia ở Scotland là nơi đầu tiên tiếp các ca nhiễm viêm gan cấp tính. Tất cả đều là trẻ em từ 3 – 5 tuổi, nhập viện trong tình trạng nôn trớ nhiều tuần, da vàng, lượng transaminase trong cơ thể cao bất thường. Được chẩn đoán là viêm gan nặng nhưng không rõ nguyên nhân.
Tiếp đến, căn bệnh nguy hiểm này bắt đầu lan rộng ra hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vào ngày 3/5/2022, WHO đã tổ chức một cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) để phát đi cảnh báo và tổng hợp các ca nhiễm bệnh. Hai ngày sau, tức ngày 5/5, WHO tiếp tục phải họp khẩn lần thứ 2 bởi mức độ nghiêm trọng từ làn sóng viêm gan bí ẩn đang lây lan trên toàn cầu.
Đến thời điểm hiện tại, thống kê của WHO cho thấy có ít nhất hơn 300 trẻ em đang phải chống chọi với căn bệnh này. Cụ thể, tính đến ngày 8/5/2022, Anh đang đứng đầu danh sách với 163 ca, Mỹ xếp thứ 2 với 109 ca. Tiếp đến là Tây Ban Nha 22 ca, Israel 12 ca, Đức 9 ca, Đan Mạch 6 ca, Hà Lan 4 ca, Nhật Bản 3 ca.
Ngoài ra, còn rất nhiều quốc gia khác có các ca mắc lẻ tẻ như Pháp, Na uy, Bỉ, Slovenia, Panama, Romania, Các lãnh thổ Palestine… Đặc biệt, Indonesia hay Canada được nhận định là quốc gia có nhiều ca mắc nhưng lại chưa có báo cáo chính thức về số lượng. Các chuyên gia cũng cho biết, các số liệu này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, số ca nhiễm bệnh trên thực tế chắc chắn lớn hơn rất nhiều.
Hãy cảnh giác với viêm gan cấp tính ở trẻ em
Điều đáng lo ngại là ngoài không rõ nguyên nhân thì bệnh này còn tiến triển rất nhanh và dễ gây tử vong dù đã thực hiện ghép gan. Sau khi Indonesia tuyên bố có ca tử vong thứ tư tính riêng ở quốc gia này thì cả thế giới lại 1 lần nữa rùng mình nhìn lại tốc độ càn quét của nó.
Đến ngày 8/5/2022, toàn thế giới có 10 ca tử vong đã được công bố. Trong đó ca đầu tiên không được WHO thông tin cụ thể là tại nước nào, 5 ca tại Mỹ và 4 ca tại Indonesia. Bệnh nhân mới nhất là 1 bé gái 7 tuổi, từng được điều trị tại Bệnh viện Tiến sĩ Iskak Tulungagung ở tỉnh Đông Java (Indonesia). Kết quả xét nghiệm không phát hiện virus viêm gan A, B, C, D, hoặc E.
Theo WHO, 1 loạt nghiên cứu đã chỉ ra rằng các trường hợp viêm gan ở trẻ em nêu trên có thể liên quan đến nhiễm virus adenovirus. Nhưng vì nhiều trường hợp trong số này không có các triệu chứng điển hình của nhiễm adenovirus nên các chuyên gia vẫn đang tích cực điều tra các nguyên nhân khác.
Tuy nhiên, việc căn bệnh viêm gan cấp tính này liên tục tăng nhanh về số lượng trong thời gian tới là không thể tránh khỏi. Vì vậy các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh nên đặc biệt chú ý chăm sóc con trẻ, tuân thủ 6 điều sau để phòng bệnh:
- Chú ý nâng cao vệ sinh cá nhân, sát khuẩn tay thường xuyên, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh với cả trẻ và phụ huynh.
- Thực hiện ăn chín uống sôi, nâng cao ý thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, dùng thực phẩm an toàn…
- Cho trẻ bổ sung dinh dưỡng hợp lý, vận động thường xuyên, tăng cường hoạt động thể chất ngoài trời để nâng cao hệ miễn dịch.
- Tiêm phòng theo chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia đầy đủ cũng như tầm soát các bệnh viêm gan càng sớm càng tốt.
- Hạn chế tiếp xúc gần với bệnh nhân bị các bệnh viêm gan, viêm dạ dày ruột cấp tính hoặc tiêu chảy.
- Đảm bảo vệ sinh nguồn nước, thường xuyên khử trùng đồ chơi và đồ dùng cá nhân của trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ cần theo dõi con trẻ sát sao. Ngay khi có các triệu chứng đặc hiệu như đau vùng gan, sụt cân, mệt mỏi, sốt, nôn trớ, vàng da… thì lập tức đến bệnh viện thăm khám.
Nguồn: kenh 14