Chăm sóc người bệnh nặng cuối đời không có nghĩa là chỉ chăm sóc khi người bệnh gần từ giã thế gian mà phải được tiến hành chăm sóc để duy trì khả năng sống trong suốt những ngày còn lại.
![Chăm sóc cuối đời là gì? 1 cham soc cuoi doi la gi cham soc suc khoe tai nha](https://chamsocsuckhoemhc.com/wp-content/uploads/2016/05/cham-soc-cuoi-doi-la-gi-cham-soc-suc-khoe-tai-nha.jpg)
Trong một số trường hợp ung thư không còn khả năng điều trị, người bệnh vẫn được chăm sóc bằng một dạng điều trị gọi là điều trị làm giảm triệu chứng. Tuy là không còn nhiều cơ hội để điều trị không có nghĩa là không cần phải làm gì. Loại điều trị này với mục đích giúp cho bệnh nhân không bị đau đớn nhất trong tiến trình diễn tiến của ung thư. Việc điều trị này không có nghĩa là chỉ chăm sóc khi bệnh nhân gần chết mà phải được tiến hành điều trị để duy trì khả năng sống trong suốt những ngày còn lại.
Mục tiêu của loại điều trị này bao gồm:
- Làm giảm đau và làm giảm thiểu các triệu chứng khác.
- Hỗ trợ tinh thần, cảm xúc & tâm hồn của người bệnh.
- Giúp đỡ người thân trong gia đình người bị ung thư trong suốt thời gian bệnh và sau đó.
Ở nước ta, loại điều trị này chưa thấy phổ biến. Khi một bệnh nhân bị từ chối điều trị tại bệnh viện thì hầu như mọi gánh nặng còn lại đổ dồn vào nội bộ gia đình người bệnh. Ở các nước phát triển, việc chăm sóc này được tổ chức rạch ròi với các thành viên có nhiều chuyên môn như BS, y tá, điều dưỡng & hộ lý. Cũng có một số tình nguyện viên khác là những người đã trải qua kinh nghiệm bản thân khi trước đó đã phải đối mặt với tình thế khốn đốn này. Vai trò của BS tâm lý, các nhân viên bảo hiểm cũng như các tín đồ giáo cũng rất quan trọng trong phương pháp điều trị này.
Phương pháp điều trị này được tiến hành ở đâu, như thế nào?
Có thể tại nhà hoặc ngay trong bệnh viện. Người bị ung thư & người thân của họ sẽ quyết định điều gì là cần thiết nhất cho họ. Trước khi đưa ra quyết định, người bệnh cũng như thân nhân phải được quyền biết tất cả những ưu nhược điểm của từng phương pháp.
Người bị ung thư tiến triển (di căn) phải đối đầu với rất nhiều những triệu chứng. Các triệu chứng này bao gồm đau, mất cảm giác ăn uống, xanh xao, yếu mệt, sụt cân, táo bón, khó thở, lơ mơ, nôn ói, ho & viêm họng. Người bệnh không chỉ bị các triệu chứng về thân thể hành hạ mà còn bị những tâm trạng lo âu & hoảng loạn.
Đau là triệu chứng thường thấy nhất ở bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Thuốc giảm đau luôn hiệu quả ngay cả những trường hợp đau trầm trọng nhất. Mỗi cơ thể bệnh đáp ứng khác nhau đối với các loại thuốc giảm đau, do vậy BS sẽ là người quyết định sử dụng loại thuốc giảm đau nào và sử dụng ra sao. Thuốc giảm đau có thể sử dụng đường uống, nhét hậu môn, dán trên da hoặc dạng tiêm chích vào cơ hoặc truyền tĩnh mạch. Người chăm sóc bệnh phải nhận thức rằng thuốc giảm đau chỉ tác dụng trong một khoảng thời gian nào đó và cần phải được sử dụng theo một lịch trình định sẵn. Điều này có nghĩa là bệnh nhân có thể bị đau bất chợt trong đêm và cần phải sử dụng thuốc giảm đau.
Trong một số trường hợp, BS có thể kê các loại thuốc giảm đau mạnh có tính gây nghiện như morphine hoặc codeine chẳng hạn. Các loại thuốc giảm đau này có thể gây ra táo bón & do vậy, BS sẽ cho uống kèm theo các thuốc nhuận trường. Người nhà bệnh nhân có thể thắc mắc về tình trạng gây nghiện của thuốc. Tuy nhiên, tình trạng nghiện thuốc rất hiếm xảy ra ở bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Có thể phải mất một khoảng thời gian để BS có thể tìm ra cách giảm đau hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Người nhà & người bệnh không nên quá thất vọng khi mà những trị liệu ban đầu không đạt hiệu quả giảm đau như mong muốn. Phối hợp với BS là cách tốt nhất để có thể nhanh chóng tìm ra phương pháp giảm đau hiệu quả cho bệnh nhân.
Người bệnh đối mặt với cái chết như thế nào?
Mỗi người phản ứng mỗi cách khác nhau một khi cái chết đã được báo trước. Thường thì những phản ứng như mất hết niềm tin, giận dữ thấy nhiều trong các trường hợp này. Khi ấy, những ân hận về lối sống hoặc những việc đã làm trong quá khứ có thể làm cho người bệnh bất an, hoặc những lo lắng về các thành viên còn lại trong gia đình khi họ khuất bóng. Tất cả những dạng biểu hiện cảm xúc này đều bình thường ở người bệnh. Tuy nhiên, cuộc sống trong những ngày còn lại sẽ tồi tệ hơn nếu như người bệnh không có cách để thỏa hiệp với các cảm xúc đó.
Chăm sóc cuối đời thường làm xuất hiện những cơ hội để tìm thấy sự bình yên trong quá trình suy ngẫm về sự sống và cái chết. Mỗi người bệnh sẽ buộc phải tìm ra cho mình những cách để làm dịu bớt đi những hoảng hốt thường ngày. Có người tìm đến người thân, có người cần đến tư vấn tâm lý, và thường thì họ tìm đến niềm tin từ tôn giáo. Một số hành động rất can đảm & đáng trân trọng là viết lại nhật ký, vẽ tranh hoặc chìm vào một nổi đam mê nào đó.
Người thân trong gia đình phản ứng như thế nào?
Trước cái chết được báo trước của người thân, mỗi thành viên trong gia đình có những phản ứng khác nhau. Người thì buồn rầu, giận dữ, thậm chí bị sốc hoặc mất tất cả niềm tin vào cuộc sống. Có người biết chấp nhận và lo toan tất cả những gì sẽ xảy ra. Tất cả mọi thành viên khác đều phải biết chấp nhận cách phản ứng khác nhau của mỗi người. Các cảm xúc này không theo một lịch biểu nhất định, có nghĩa là nó có thể bộc phát vào bất cứ lúc nào, bất kỳ ở đâu & với bất kỳ ai, bất kỳ lý do nào. Việc quan trọng trong thời gian này thiết nghĩ là hãy thực hiện cho nhau những gì mà chưa thực hiện hoặc thiếu sót trong quá khứ.
Việc chăm sóc cuối đời cho bệnh nhân ung thư cũng bao hàm cả việc chuẩn bị lo mai táng cho họ. Công việc này chẳng ai muốn và cũng chẳng ai thèm có kinh nghiệm. Tuy nhiên, cuộc sống là như thế. Từ việc tài chánh đến việc giải quyết những việc liên quan sau khi người thân qua đời như khai tử, mồ mã, phong tục tập quán & ngay cả việc phân chia trách nhiệm & quyền lợi (di chúc). Việc này cũng là một vấn đề phải giải quyết của một số người bệnh trước lúc lâm chung. Không có một ý kiến nào được cho là chính xác trong từng trường hợp. Tuy nhiên, cư xử như thế nào để người đã khuất không nuối tiếc và người ở lại được thanh thản là điều mỗi người cần phải suy nghĩ & hành động.
Thực hiện di chúc & nguyện vọng mai táng của người bệnh cũng cần được quan tâm & thực hiện đúng theo gia phong. Hãy cùng tỉnh táo & tạo nghị lực cho nhau để cùng vượt qua mất mát to lớn này.
Thay cho lời kết:
Không phải bất kỳ bệnh nhân ung thư nào cung buông xuôi vì bệnh tật. Trên thực tế, có đến 9 triệu người bị ung thư tại Mỹ vẫn sống bình thường cho đến ngày nay. Tuy nhiên, một khi bệnh tình ung thư đã vào giai đoạn không thể kiểm soát được nữa, người bệnh và thân nhân cần thiết phải thu xếp chia sẻ gánh nặng cho nhau trong những ngày còn lại. Cần thiết phải trao đổi và cần có ý kiến của người bệnh một khi họ vẫn còn tỉnh táo để ra quyết định. Việc làm này thể hiện sự tôn trọng người bệnh đồng thời cũng giải tỏa được áp lực tâm lý cho người thân khỏi phải việc ra quyết định một mình.
Nguồn: Thông Tin Điều Dưỡng Bệnh Viện Hưng Hà – Hưng Yên.