Lợi dụng nỗi sợ hậu Covid của người bệnh, nhiều phòng khám tại châu Âu cung cấp liệu pháp “rửa máu”, với chi phí hàng ngàn USD.
Gitte Boumeester, bác sĩ tâm lý thực tập sinh ở Almelo, Hà Lan, mắc Covid-19 vào tháng 11/2020. Cô mệt mỏi nhiều tuần sau đó, bị sương mù não, tim đập nhanh, khó thở, thường xuyên buồn nôn và tức ngực vào ban đêm. Tuy nhiên, hàng loạt xét nghiệm hậu Covid không tìm ra điểm bất thường với tim phổi. Cô đã phải nghỉ làm vào tháng 11/2021 vì sức khỏe không cho phép.
Boumeester đã tham gia một nhóm Facebook dành cho những bệnh nhân hậu Covid. Nhiều người chia sẻ đã đến Đức để chữa bệnh với phương pháp có tên “rửa máu”. Trong đó, bác sĩ sẽ đưa kim tiêm cỡ lớn vào tĩnh mạch để lọc máu, loại bỏ lipid cùng các protein gây viêm. Đây là phương pháp tiêu chuẩn cuối cùng để điều trị cho bệnh nhân rối loạn lipid. Liệu pháp này cũng được thực hiện tại phòng khám Cyprus ở Cộng hòa Síp (tự xưng là Trung tâm Covid-19 Kéo dài).
Vì đã mệt mỏi với các triệu chứng sau nhiễm virus, Boumeester quyết định đi khám với suy nghĩ: “Cùng lắm là mất tiền”. Hai tháng sau, cô trở về Hà Lan sau khi tiêu gần hết khoản tiết kiệm hơn 15.000 USD, nhưng các triệu chứng chưa suy giảm.
Cuộc điều tra của BMJ và ITV News cho thấy Boumeester không phải trường hợp hy hữu. Hàng ngàn bệnh nhân thất vọng vì thiếu phương pháp điều trị hậu Covid đang du lịch đến Síp, Đức và Thụy Sĩ để chữa bệnh bằng các biện pháp chưa kiểm chứng với giá “cắt cổ”. Một số người được kê đơn thuốc chống đông máu, dựa trên giả thuyết rằng các di chứng là do cục máu đông nhỏ ngăn chặn dòng oxy qua mao mạch.
Tình trạng này từng xảy ra từ các đợt dịch trước đó. Khi y học hiện đại chưa thể cung cấp phương pháp điều trị dựa trên bằng chứng khoa học, các lang băm sẽ tìm cách xoa dịu những bệnh nhân tuyệt vọng, không được điều trị. Lợi dụng tâm lý đồng cảm, họ quở trách y học hiện đại, chỉ trích các bác sĩ nhẫn tâm và chế giễu tốc độ chậm chạp của các thử nghiệm lâm sàng. Khi đã có được lòng tin, họ rao bán phương pháp chưa được chứng minh, gieo hy vọng hão huyền và thu lợi bất chính.
Thực tế, rửa máu là liệu pháp y tế đã được chấp thuận. Tuy nhiên, nó sử dụng điều trị các tình trạng bệnh lý cụ thể, bằng cách lọc ra các thành phần có vấn đề của máu, chẳng hạn lọc LDL (lipoprotein mật độ thấp, còn gọi là cholesterol xấu) ở những người có mức cholesterol cao khó chữa, hoặc loại bỏ các tế bào bạch cầu ác tính ở người bệnh bạch cầu.
Ở các bệnh nhân Covid kéo dài, phương pháp rửa máu có thể loại bỏ LDL, phân tử gây viêm, phác đồ vốn dành cho người bệnh tim mạch.
Bác sĩ nội khoa Beate Jaeger, Giám đốc Trung tâm Lipid North Rhine ở Đức, giới thiệu phương pháp lọc máu qua bộ lọc heparin để điều trị bệnh nhân Covid kéo dài. Bà cũng kê thêm cho họ đơn thuốc chống đông máu.
Jaeger đưa ra giả thuyết rằng máu của người bệnh quá nhớt và có thể chứa các cục máu đông nhỏ li ti. Bà cho rằng làm loãng máu bằng thuốc và rửa máu có thể cải thiện tuần hoàn, sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào xác nhận giả thuyết này là đúng hoặc có hiệu quả. Nó thậm chí bị bác bỏ khi Jaeger cố gắng công bố trên một tạp chí y khoa của Đức.
Robert Ariens, giáo sư sinh học mạch máu tại Đại học Y khoa Leeds, nhận định việc điều trị bằng phương pháp này là quá sớm. Các nhà nghiên cứu chưa hiểu rõ cơ chế hình thành của các cục máu đông li ti, họ không biết việc rửa máu và dùng thuốc chống đông máu về lâu dài ảnh hưởng ra sao đến bệnh nhân.
Trong khi đó, bác sĩ Jaeger bảo vệ quan điểm của mình và điều trị cho bệnh nhân, bất chấp việc phương pháp đã bị bác bỏ. Các phòng khám khác cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ tương tự. Những người như Boumeester đã phải ký vào một thỏa thuận đáng ngờ, rằng họ sẽ không truy cứu trách nhiệm của các bác sĩ và bệnh viện sau thủ thuật y tế trên.
Daniel Sokol, một luật sư và nhà đạo đức y tế ở London, cho biết việc này là trái phép ở Anh. “Không thể nói với bệnh nhân rằng ‘Bạn không được khởi kiện nếu chúng tôi gây ra thương thật khủng khiếp, ngay cả khi đó là do sơ xuất đến từ phía chúng tôi”, ông giải thích.
Bên cạnh rửa máu, Boumeester cũng được truyền vitamin, điều trị oxy cao áp, dùng thuốc chống đông máu và hydroxychloroquine, vốn nổi tiếng là không hiệu quả với Covid-19.
“Tôi nghĩ rằng họ nên nhấn mạnh rằng bản chất của phương pháp này là thử nghiệm, đặc biệt khi nó đắt đến vậy. Tôi nhận thức được điều đó khi quyết định đến khám, rằng kết quả không chắc chắn. Nhưng mọi người ở phòng khám đều rất nhiệt tình, đến mức tôi cũng bắt đầu tin vào nó và nuôi hy vọng”, cô nói.
Thục Linh (Theo BMJ, Arstechnica)
Nguồn: VnExpress