Đa số bệnh cúm A không nguy hiểm nhiều với mọi người. Tuy nhiên, đối với người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch, mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, thận, nhiễm trùng máu… khi mắc bệnh cúm A dễ diễn tiến nặng.
Cúm A “hành” khổ sở
Sau buổi làm ruộng về, bà T.G. (73 tuổi, Hà Nội) bắt đầu có biểu hiện mệt mỏi như bị say nắng nhưng sau đó hàng loạt triệu chứng xuất hiện như đau rát cổ, đến nuốt nước cũng thấy đau nhức cổ họng. “Tôi chưa từng bị ốm mà cảm thấy mệt mỏi đến như vậy, sốt triền miên không dứt, người đau ê ẩm, sổ mũi rồi hắt hơi”, bà G. kể lại.
Bà G. được đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương ( Hà Nội) thăm khám, được chẩn đoán mắc cúm A, được chỉ định điều trị nội trú. Các bác sĩ cũng xác định bà bị tổn thương phổi.
Bà chia sẻ rằng sau khi tiêm vắc xin mũi 3 được một tháng, bản thân đã mắc COVID-19 nhưng triệu chứng nhẹ, không đáng sợ như lần mắc cúm A này.
Vào viện cấp cứu sau cơn sốt bất chợt, chị Hà (sống tại Hà Đông, Hà Nội) không nghĩ rằng cúm đơn thuần lại khiến chị “liêu xiêu” đến vậy. Chỉ trong vòng 7 tiếng đồng hồ, chị Hà từ một người khỏe mạnh phải nhập viện cấp cứu vì sốt cao. Tại bệnh viện, chị được chẩn đoán mắc cúm A.
“Ban đầu tôi cảm thấy bị sốt và rét, đau buốt xương và nhức người. Đinh ninh rằng mình bị tái nhiễm COVID-19 chủng mới nhưng đến khi làm test nhanh tại nhà lại cho kết quả âm tính SARS-CoV-2. Sốt 39 – 40 độ C nhưng uống thuốc hạ sốt lại không hề giảm”, chị Hà chia sẻ.
Theo TS Vũ Minh Điền – phó trưởng khoa nội tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc cúm A là người cao tuổi, người có bệnh nền như phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ gan, bệnh tim mạch…
Người suy giảm miễn dịch cẩn thận
Tại TP.HCM, các bác sĩ cho biết số ca mắc cúm A đến khám và điều trị tại các bệnh viện vẫn ở mức ổn định, chưa tăng.
Các bác sĩ ở TP.HCM nhận định số ca cúm A ở Hà Nội tăng nhiều là do địa phương thực hiện xét nghiệm cộng đồng, cùng với thời tiết ở đây đang vào mùa hè – thu khiến virus dễ phát triển; trong khi đó thời tiết tại TP.HCM đang nóng và không có thực hiện xét nghiệm trong cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng – giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM – cho hay số bệnh nhân (chủ yếu là người lớn) đến khám và điều trị các bệnh về hô hấp nói chung và cúm A nói riêng tại bệnh viện không có biến động. Người mắc bệnh cúm ngoài cộng đồng tại TP.HCM nhiều nhưng bệnh thường nhẹ, nhanh khỏi chủ yếu điều trị tại nhà.
Tuy nhiên, đối với người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch, mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, thận, nhiễm trùng máu… khi mắc bệnh cúm A dễ diễn tiến nặng. Do đó những nhóm người này cần đến bệnh viện thăm khám khi có các dấu hiệu của bệnh, kịp thời điều trị, tránh chuyển nặng.
Chú ý dấu hiệu thở nhanh, không tự ý dùng thuốc kháng virus
BS.CKII Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) – cho biết bệnh cúm A thường xuất hiện đột ngột và dễ nhận biết như ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể. Các triệu chứng này thường tự hết mà không cần điều trị đặc biệt.
Nếu kéo dài nhiều ngày không cải thiện, người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng. Ông nói: “Khi chuyển sang giai đoạn nặng của cúm A, người bệnh có thể bị viêm não, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, suy hô hấp, sốt ít gặp biến chứng đường tiêu hóa… Những dấu hiệu chuyển nặng thường gặp ở cả người lớn và trẻ em gồm: thở nhanh, thở rút lõm ngực, tím tái, hôn mê, co giật, nói sảng…”.
Nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.
Cần tự theo dõi sức khỏe hằng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng… thì thông báo cho trường học, cơ quan… nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu xác định mắc cúm thì cần cách ly và đeo khẩu trang.
Người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, người già, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính… Cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1m nếu phải tiếp xúc với người bệnh. Không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Phân biệt bệnh sốt xuất huyết, COVID-19 và cúm A
TS.BS Nguyễn Kim Thư – trưởng khoa virus ký sinh trùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) – thông tin những bệnh truyền nhiễm như cúm A, sốt xuất huyết và COVID-19 có thể phân biệt qua dịch tễ, đường lây truyền và các triệu chứng.
- Cụ thể, với COVID-19 là virus lây nhiễm qua giọt bắn hô hấp. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 14 ngày, với các triệu chứng phổ biến như ho, sổ mũi, hụt hơi, tức ngực và có thể mất khứu giác, vị giác. Với COVID-19 người bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ 36,5 – 37,5 độ C.
- Đối với cúm A là virus cúm A lây nhiễm qua tiếp xúc gần, thời gian ủ bệnh từ 1 đến 3 ngày. Cúm A thường có các triệu chứng như ho, sổ mũi, đau đầu, hắt hơi, đau nhức cơ thể. Với cúm A người bệnh thường sốt từ 38 – 38,5 độ C.
- Sốt xuất huyết là do virus Dengue lây nhiễm qua muỗi Aedes Aegypti, thời gian ủ bệnh từ 4 đến 14 ngày. Với bệnh nhân sốt xuất huyết thường không có triệu chứng ho, sổ mũi, hụt hơi tức ngực mà có biểu hiện đặc trưng như xuất huyết chấm trên da, bầm chảy máu cam. Bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt cao hơn, từ 39 – 40 độ C.
Việc nhiều người có triệu chứng mắc cúm A nặng hơn COVID-19, các chuyên gia nhận định rằng một trong những nguyên do là người dân đã tiêm phòng vắc xin COVID-19 nhưng lại chưa được bảo vệ bởi vắc xin cúm.
Bên cạnh đó, thời gian qua nhiều người đã mắc COVID-19 khiến hệ miễn dịch suy giảm, dễ bị tổn thương bởi các tác nhân gây hại.
Nguồn: Tuổi Trẻ Online