Phenol là một chất hóa học có thể làm hỏng các mô, bao gồm cả mầm móng. Điều trị móng chọc thịt bằng phenol là một thủ thuật đơn giản được sử dụng để phá hủy mầm móng, ngăn ngừa móng mọc trở lại và chọc vào da. Cụ thể như thế nào, mời Quý vị theo dõi nội dung dưới đây.
☰ MỤC LỤC
1. Cấu tạo và chức năng của móng
Móng là một phiến sừng mỏng ở tận cùng ngón chân hoặc ngón tay. Móng được cấu tạo chủ yếu từ keratin, một loại protein cứng. Ngoài ra, móng còn chứa một lượng nhỏ chất béo, nước và các nguyên tố vi lượng như crom, kẽm.
Về mặt cấu tạo, móng gồm 3 phần là:
- Đĩa móng: Là phần ngoài cùng, có thể nhìn thấy được. Đĩa móng có màu hồng vì nằm phía trên giường móng, có nhiều mạch máu nuôi dưỡng.
- Giường móng: Là phần mô mềm nằm dưới đĩa móng, có nhiều mạch máu nhỏ giúp móng có màu hồng.
- Mầm móng: Là phần nấp ngay dưới phần da ngón tay, được nuôi dưỡng bởi nhiều mạch máu. Đây chính là phần phát triển thành thân móng theo thời gian khi dài ra.
Về cơ bản, móng của chúng ta có một số chức năng như:
- Bảo vệ phần đầu mút của ngón và mô mềm xung quanh khỏi các chấn thương và vi khuẩn.
- Tăng khả năng cảm giác ở đầu ngón, nhất là về áp lực. Nếu bị mất móng tay, chúng ta sẽ mất đi 10 – 15% sức ấn của búp ngón, chức năng xúc giác của búp ngón cũng giảm đi rõ rệt.
- Hỗ trợ vận động và tự vệ: Chức năng này rất quan trọng với người cổ đại. Móng tay trở thành vũ khí để chiến đấu và để thực hiện nhiều công việc hằng ngày. Tuy nhiên, ngày nay chức năng này có vẻ không còn cần thiết nữa do đã có nhiều dụng cụ hỗ trợ.
2. Sơ lược về móng chọc thịt
Móng chọc thịt là tình trạng móng chân mọc không bình thường, quặp vào trong và đâm vào phần thịt mềm bên dưới, gây đau đớn, sưng tấy, nhiễm trùng. Tình trạng này thường xảy ra ở ngón chân cái, nhưng cũng có thể xảy ra ở các ngón chân khác.
Nguyên nhân của móng chọc thịt có thể do:
- Cắt móng chân quá ngắn hoặc cắt không đều
- Mang giày quá chật hoặc quá bó sát
- Chấn thương móng chân
- Bệnh lý về móng chân như nấm móng, loạn dưỡng móng
- Một số bệnh lý toàn thân như tiểu đường, suy giáp, bệnh tim mạch
Nếu tính trạng móng chọc thịt nhẹ, chưa nhiễm trùng, bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng các biện pháp:
- Ngâm chân trong nước ấm và muối loãng trong 15-20 phút, 2-3 lần/ngày
- Bôi thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng sinh
- Dùng băng gạc để cố định móng chân
Nếu điều trị tại nhà không hiệu quả, hoặc nếu móng chọc thịt bị nhiễm trùng, bạn cần tới phòng khám/ bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị tối ưu.
3. Điều trị móng chọc thịt bằng phenol là gì ?
Có nhiều cách điều trị móng chọc thịt, một trong những phương pháp điều trị móng chọc thịt là điều trị bằng phenol.
Điều trị móng chọc thịt bằng phenol là một thủ thuật phẫu thuật đơn giản sử dụng chất hóa học phenol để phá hủy mầm móng, ngăn chặn móng mọc trở lại và chọc vào thịt. Thủ thuật này thường được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật hoặc bác sĩ da liễu.
Thủ thuật bắt đầu bằng việc tiêm thuốc tê tại chỗ để gây tê vùng móng bị ảnh hưởng. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng kéo hoặc dao phẫu thuật để cắt bỏ một phần bản móng và loại bỏ phần móng chọc vào thịt. Cuối cùng, bác sĩ sẽ sử dụng một tăm bông hoặc que cotton để thoa phenol lên mầm móng.
Phenol là một chất hóa học có thể làm hỏng các mô, bao gồm cả mầm móng. Pheno có thể gây bỏng, vì vậy bác sĩ sẽ sử dụng một lượng nhỏ chất này và thoa một cách cẩn thận. Mầm móng sẽ bị phá hủy sau khi phenol được thoa trong vài phút.
Thủ thuật điều trị móng chọc thịt bằng phenol thường được thực hiện tại phòng khám hoặc bệnh viện. Thời gian thực hiện thủ thuật khoảng 15-30 phút. Thủ thuật điều trị móng chọc thịt bằng phenol thường được thực hiện dưới dạng thủ thuật ngoại trú, có nghĩa là bệnh nhân có thể về nhà ngay sau khi thủ thuật.
Sau thủ thuật, bệnh nhân có thể cảm thấy đau và sưng ở ngón chân. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc giảm đau để giúp kiểm soát cơn đau. Bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh nếu móng chân của bệnh nhân bị nhiễm khuẩn và có chảy mủ.
Các tình trạng rối loạn mạch máu nghiêm trọng sẽ bị chống chỉ định sử dụng kỹ thuật này.
Điều trị móng chọc thịt bằng phenol thường có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa móng mọc trở lại và chọc vào da. Tuy nhiên, thủ thuật này cũng có thể gây ra một số biến chứng, bao gồm:
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng là biến chứng phổ biến nhất của thủ thuật điều trị móng chọc thịt bằng phenol. Để giảm nguy cơ nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh cho bệnh nhân.
- Chảy máu: Chảy máu là một biến chứng hiếm gặp của thủ thuật điều trị móng chọc thịt bằng phenol. Nếu bệnh nhân bị chảy máu, bác sĩ có thể phải khâu vết thương.
- Sẹo: Sẹo là một biến chứng hiếm gặp của thủ thuật điều trị móng chọc thịt bằng phenol. Sẹo thường không đáng kể và sẽ mờ dần theo thời gian.
4. Lời kết
Điều trị móng chọc thịt bằng phenol là một thủ thuật phẫu thuật và phenol là một hóa chất có thể gây bỏng, do vậy bạn không thể tự thực hiện phương pháp này tại nhà.
Nếu bạn bị móng chọc thịt và đã tự điều trị tại nhà nhưng không khỏi, bạn cần tới phòng khám/ bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị tối ưu.