☰ MỤC LỤC
Nhiều tỉnh miền Tây có hàng nghìn ca sốt xuất huyết, hàng trăm ca nặng và đã có 2 ca tử vong. Thời tiết bất thường, ao nước đọng quanh nhà dân còn nhiều… là nguyên nhân sốt xuất huyết tăng cao.
An Giang hơn 4.400 ca mắc sốt xuất huyết
Theo báo cáo Sở Y tế An Giang, từ đầu năm đến nay, tỉnh An Giang ghi nhận gần 4.457 ca sốt xuất huyết, tăng 387% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có hơn 200 ca nặng.
Đến nay, toàn tỉnh An Giang có 10/11 huyện, thị xã, thành phố có số ca mắc sốt xuất huyết tăng vượt trên 100% so với cùng kỳ với 1.311 ổ bệnh ở 143/156 xã, phường, thị trấn; đặc biệt 5/11 huyện, thị xã, thành phố có số ca mắc tăng trên 500% so với cùng kỳ gồm: thị xã Tân Châu, huyện Châu Phú, Phú Tân, huyện An Phú, huyện Tịnh Biên và huyện Thoại Sơn.
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang Trần Quang Hiền, số ca mắc sốt xuất huyết của tỉnh An Giang đang cao nhất 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và đứng thứ 2 ở Khu vực phía Nam (sau TPHCM), nhưng đến nay chưa ghi nhận trường hợp tử vong do mắc sốt xuất huyết. Dự báo vào tháng 7 có thể vượt 1.000 ca/tuần.
Để chủ động trong công tác điều trị, Giám đốc Sở y tế An Giang yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tiếp tục thu dung, điều trị người bệnh sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời theo dõi sát tình trạng điều trị của bệnh nhân, sớm phát hiện các diễn biến xấu, kịp thời hội chẩn khoa, bệnh viện hoặc tuyến trên…
Các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố củng cố và duy trì hoạt động của nhóm điều trị sốt xuất huyết và đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết trong đơn vị, giữa đơn vị với tuyến trên, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.
Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông để người dân có thể nhận biết được các dấu hiệu của bệnh, nhất là các dấu hiệu cảnh báo nặng cần đến ngay các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời; khuyến cáo người dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi đốt, phòng bệnh.
Đồng Tháp, 02 ca tử vong do bệnh sốt xuất huyết
Tại Đồng Tháp, tính từ đầu năm đến ngày 10/6, tỉnh này ghi nhận hơn 1.9600 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần 1.300 ca (gần 250%) so với cùng kỳ năm 2021; trong đó có 59 ca mắc nặng và 2 ca tử vong.
Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát và lây lan mạnh ở huyện biên giới Hồng Ngự với 378 ca, TP Hồng Ngự 287 ca, TP Cao Lãnh 251 ca…
Trước thực trạng bệnh sốt xuất huyết tăng cao, ngành y tế tỉnh Đồng Tháp đã triển khai một đợt chiến dịch diệt lăng quăng và xử lý 565 ổ dịch sốt xuất huyết tại 12 huyện, thành phố. Đồng thời, ra quân phun hóa chất diện rộng tại các xã, phường, thị trấn của huyện Hồng Ngự và TP Hồng Ngự.
Về nguyên nhân bệnh sốt xuất huyết tăng cao trên địa bàn tỉnh, ông Đoàn Tấn Bửu – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay thời tiết diễn biến thất thường, mưa, nắng đan xen và nhiệt độ trung bình các ngày ở mức cao, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, gây bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra, tình hình bệnh sốt xuất huyết tăng cao cũng do chu kỳ bệnh vài năm lại tăng một lần.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu đã có chỉ đạo lãnh đạo các địa phương và ngành y tế, phối hợp với các đoàn thể và người dân phải tham gia cùng với ngành y tế tổ chức những chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng, phải làm liên tục để kiểm soát dịch bệnh.
Còn tại An Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị, lãnh đạo các địa phương chỉ đạo sâu sát hơn công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, giảm thiểu tối đa số ca mắc và tử vong trên địa bàn…
Một trong những giải pháp quan trọng để phòng, chống sốt xuất huyết, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước là phát động chiến dịch toàn dân diệt lăng quăng, diệt muỗi ngay chính nơi mình làm việc, sinh sống. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trường học thực hiện tổng vệ sinh môi trường, không để tồn tại vật chứa có nguy cơ đọng nước tại nơi làm việc…
Tăng cường hơn nữa truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè tại các hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình….
Nguồn: Báo Dân trí