Vì mắc một căn bệnh hiếm gặp, một phụ nữ ở Nga không thể nhận diện được bất kỳ khuôn mặt nào. Thậm chí, cô cũng không thể nhận ra chính mình trong gương.
Cô Lena Ash, 29 tuổi, ở Nga bắt đầu gặp khó khăn khi ghi nhớ và nhận diện khuôn mặt ngay từ khi còn nhỏ. Dù đã trao đổi với bố mẹ tình trạng của mình nhưng cũng không giúp ích được gì. Cô từng nghĩ có thể mình chậm ghi nhớ và kém hơn người khác về khả năng nhận diện người quen.
Suốt nhiều năm, cô Lena thường bị các triệu chứng bất thường như nhức đầu, đau nửa đầu, huyết áp thấp và buồn nôn. Mặc dù cô đã đến khám bệnh ở nhiều bác sĩ, kể cả bác sĩ thần kinh, nhưng cũng không ai biết được nguyên nhân gây bệnh thực sự là gì.
Cuối cùng, vào năm 2019, cô bị chẩn đoán mắc hội chứng mất nhận thức khuôn mặt. Đây là căn bệnh hiếm gặp khiến người bệnh không thể nhận ra mặt của bất kỳ ai, kể cả của người thân hay chính mình.
Với người bình thường, bộ não được lập trình để ghi nhớ khuôn mặt của người khác. Nhờ vậy, chúng ta có thể nhận ra khuôn mặt người quen. Nhưng với cô Lena, bộ não không thể lưu giữ các ký ức về khuôn mặt, ngay cả là mặt của chính cô, theo Oddity Central. Khi ai đó đến gặp Lena, cô có thể nhìn thấy khuôn mặt họ rất rõ ràng. Nhưng khi người đó rời đi, cô lập tức quên mất khuôn mặt họ là thế nào.
Dù vậy, cô Lena vẫn có một số phương pháp giúp ghi nhớ khuôn mặt của mình bằng cách dựa vào một số đặc điểm. Ví dụ, cô nhớ là mình có nốt ruồi phía trên lông mày, vết sẹo ở cằm.
Cô cũng thực hiện cách tương tự để nhận diện những người xung quanh. Danh tính của một số người sẽ gắn liền với các đặc điểm đặc trưng trên mặt như nốt ruồi, vết sẹo, hình xăm hay hình dáng mũi.
Tuy nhiên, cô Lena sẽ không chú ý đến các đặc điểm có thể thay đổi thường xuyên như quần áo, râu hay kiểu tóc. Một ví dụ gần gũi nhất là chồng cô. Đối với Lena, nếu dựa theo hình dáng bộ râu thì khuôn mặt của chồng cô lúc trước và sau khi cạo râu là hoàn toàn khác nhau.
Ngoài ra, cô Lena cũng học cách phân biệt giọng nói để nhận ra người quen. Đây được xem là đặc điểm giúp nhận dạng chính xác nhất. Ví dụ khi đi đón con ở trường, đứa trẻ gọi lớn “mẹ ơi” sẽ giúp Lena biết chắc đó là con mình.
Hội chứng mất nhận thức khuôn mặt không có cách chữa trị. Các bác sĩ cũng chưa tìm ra phương pháp nào để kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Do đó, những phương pháp trên thực sự rất hữu ích với những người mắc bệnh như cô Lena, theo Oddity Central.
LAN ANH (Báo Thanh Niên Online)