[ Zalo ][ Đặt hẹn ]

Mất ngủ hậu Covid – Cách nào để cải thiện ?

Mất ngủ, khó ngủ là những ảnh hưởng thường gặp của hậu Covid. Mất ngủ, khó ngủ không những làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của người mắc hậu Covid. Vậy làm sao để khắc phục tình trạng mất ngủ, khó ngủ do hậu Covid gây ra ?

mat ngu hau covid post-covid insomnia
Có khoảng 40% bệnh nhân mất ngủ khi nhiễm Covid hoặc mắc hội chứng hậu Covid.

1. Như thế nào là khó ngủ, mất ngủ ?

Mất ngủ hay thiếu ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ, muốn ngủ nhưng không ngủ được, tình trạng xảy ra vào ban đêm khiến bạn luôn tỉnh táo, trằn trọc và khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu giấc, dễ giật mình tỉnh giấc lúc nửa đêm và khó ngủ lại được thường trên 30 phút và ngủ dậy vẫn cảm thấy mệt.

Chứng mất ngủ được chia làm 3 loại chính:

  • Mất ngủ thoáng qua có biểu hiện khó ngủ dưới 1 tuần.
  • Mất ngủ ngắn hạn là tình trạng bị khó ngủ, không muốn ngủ kéo dài khoảng từ 1-4 tuần.
  • Mất ngủ mãn tính là tình trạng lâu ngày không ngủ được và kéo dài trên 1 tháng.

2. Nguyên nhân mất ngủ hậu Covid

Khó ngủ, mất ngủ là tình trạng mà hầu hết bệnh nhân sau khi khỏi Covid gặp phải. Có khoảng 40% bệnh nhân mất ngủ khi nhiễm Covid hoặc mắc hội chứng hậu Covid.

Khi bị nhiễm Covid, hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất cytokine, chemokine và những thứ khác thúc đẩy quá trình viêm chống lại vi-rút. Nếu hệ miễn dịch của cơ thể không kiểm soát đúng cách, nó sẽ gây hại cho chính tế bào thần kinh của người bệnh. Khi hệ thống thần kinh trung ương bị tổn thương sẽ gây nên các chứng rối loạn giấc ngủ, đau đầu…

Bên cạnh đó, khó ngủ, mất ngủ hậu Covid còn có thể do một số nguyên nhân sau:

  • Lo lắng về tình trạng sức khỏe do nhiễm Covid;
  • Do các triệu chứng hậu Covid như ho, khó thở khiến người bệnh khó ngủ, hay tỉnh giấc, khó duy trì giấc ngủ;
  • Có thể do tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị Covid.

3. Tác hại thiếu ngủ do hậu Covid

Ở người đang mắc hội chứng hậu Covid, sức khỏe còn chưa hồi phục sau những tác hại do Covid gây ra, việc mất ngủ có thể gây ra những tác động cộng hưởng xấu tới sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh. Trong đó, có thể kể tới một số tác hại sau:

  • Mất ngủ làm ảnh hưởng rất lớn đến sự điều hòa thần kinh của não bộ, có thể khiến người bệnh khó tập trung, hay chóng mặt, mệt mỏi, uể oải, làm ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, thể chất, khiến chất lượng làm việc cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ở người  và xuất hiện các vấn đề tâm thần như lo âu, trầm cảm, thậm chí xuất hiện suy nghĩ tiêu cực.
  • Ngoài ra, mất ngủ kéo dài còn có thể ảnh hưởng đến tim mạch, gây ra các tình trạng: rối loạn nhịp tim, suy tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp. Đồng thời, mất ngủ cũng khiến hệ chuyển hóa bị rối loạn, gây tăng men gan, tăng nguy cơ béo phì, thậm chí bị đái tháo đường.
  • Đối với phụ nữ đang mang bầu nếu mắc Covid, tiếp đến lại vướng vào hội chứng hậu COVD-19 có thể có nguy cơ sinh con thiếu tháng, nhẹ cân.

4. Lời khuyên cho người mất ngủ hậu Covid

Khi chứng mất ngủ kéo dài thì bạn không nên xem thường, cần có biện pháp khắc phục kịp thời. Dưới đây là một số lời khuyên có thể giúp bạn cải thiện tình trạng mất ngủ hậu Covid:

– Về chế độ ăn uống:

  • Uống nước: Uống đủ lượng nước mỗi ngày (từ 1,5 – 2 lít), bên cạnh đó nên bổ sung thêm các loại nước trái cây ép như: dưa hấu, lê, cà chua. Lưu ý: buổi tối hạn chế uống nước, bởi vì uống nhiều nước có thể làm tỉnh giấc để đi tiểu đêm.
  • Không uống trà, cà phê vào buổi tối
  • Bổ sung thịt đỏ, sử dụng mật ong, tâm sen,…: Thực phẩm chứa sắt (thịt đỏ) cùng các thực phẩm kích thích tuyến tụy tiết ra insulin như mật ong, tâm sen… sẽ giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn.
  • Không ăn quá no, không nên vận động mạnh trước giờ ngủ.

– Về chế độ sinh hoạt:

  • Nên tiếp xúc với ánh nắng trước 08 giờ sáng: điều này vô cùng tốt cho nhịp sinh học, giúp cải thiện tình trạng giấc ngủ.
  • Thiết lập thói quen ngủ sớm và đúng giờ: Thay vì ngủ khi thấy buồn ngủ, hãy tập thói quen ngủ vào một giờ cố định và không thức khuya. Tốt nhất, bạn nên tạo thói quen đi ngủ trước 10 giờ tối.
  • Không ngủ bù vào buổi trưa: Không nên ngủ trưa quá nhiều để bù đắp cho giấc ngủ tối, điều này dễ làm tình trạng mất ngủ nặng nề thêm. Nên ngủ trưa trước 03 giờ chiều và chỉ nên ngủ dưới 30 phút.
  • Không sử dụng điện thoại, thiết bị di động trước khi đi ngủ.
  • Tạm dừng cập nhật tin tức trước khi đi ngủ: Mặc dù cập nhật tin tức hằng ngày là điều tốt, thế nhưng việc liên tục cập nhật các tin tức vào buổi tối lại gây ra sự phản tác dụng. Các tin tiêu cực khiến người đọc càng thêm lo lắng, làm tệ thêm tình trạng mất ngủ.
  • Tạo môi trường thuận lợi cho giấc ngủ: đủ tối, yên tĩnh, mát mẻ…
  • Tập thể dục đều đặn.
  • Tập thiền, yoga: Bạn có thể thử tập thiền, yoga, những phương pháp này được ghi nhận là có thể giúp dễ ngủ hơn và giấc ngủ sâu hơn.

– Về tinh thần:

  • Không nên lo âu về “đồng hồ”: Việc khó ngủ, mất ngủ luôn làm bạn căng thẳng, liên tục xem thời gian khi không ngủ được chỉ làm cho bạn thêm lo âu.

5. Mất ngủ hậu Covid, khi nào cần dùng thuốc an thần ?

Đối với mất ngủ thể nhẹ, trung bình (người bệnh khó vào giấc ngủ, đang ngủ thì tỉnh giấc): biện pháp cải thiện hiệu quả nhất là tập thể dục, tập ngủ sớm và vật lí trị liệu. Ngoài ra cũng có thể sử dụng những thực phẩm tốt cho giấc ngủ như thịt đỏ, tâm sen, đinh lăng…

Thể nặng là mất ngủ hoàn toàn, mất ngủ kéo dài, có dấu hiệu suy nhược thần kinh, thì bắt buộc phải sử dụng thuốc tân dược dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc an thần vì có thể dẫn đến tình trạng uể oải, thực hiện động tác không chính xác, thậm chí lú lẫn.

Nếu tình trạng khó ngủ, mất ngủ liên tục kéo dài làm ảnh hưởng đến công việc cũng như sức khỏe thì bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Theo Bác sĩ CKI. Nghiêm Bảo Thị Hạnh Linh – Chuyên khoa Nội Thần Kinh tại Phòng Khám Hoàn Mỹ Sài Gòn

 

Tham khảo:

4.4/5 - (45 bình chọn)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top