Thực tế hiện nay cho thấy mặc dù không phổ biến nhưng tỷ lệ người mắc phải chứng rối loạn tâm thần hậu Covid đang có chiều hướng gia tăng, với các biểu hiện như: rối loạn giấc ngủ, rối loạn âu lo, trầm cảm,… Những rối loạn tâm thần này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh.
1. Mắc Covid có mối liên quan với các triệu chứng rối loạn tâm thần sau khi khỏi bệnh
Công trình nghiên cứu đa quốc gia được thực hiện trên hơn 9.900 người được chẩn đoán là mắc Covid ở độ tuổi 40 – 50 (trong đó tỷ lệ cao hơn thuộc về nữ giới) cho biết, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng mắc Covid có mối liên quan với sự xuất hiện các triệu chứng rối loạn tâm thần sau khi khỏi bệnh. Nghiên cứu này đã được công bố ở trang medRxiv.
Theo các nhà nghiên cứu, so với những người không mắc Covid thì những người có tiền sử đối với bệnh Covid sẽ có chất lượng giấc ngủ kém hơn và có nguy cơ bị trầm cảm sau 16 tháng kể từ thời điểm được chẩn đoán mắc bệnh. Tuy nhiên, theo thời gian, các triệu chứng trầm cảm, căng thẳng, lo âu liên quan đến bệnh Covid sẽ giảm dần.
Trong suốt 16 tháng thực hiện nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy so với những người không phải nằm liệt giường do Covid thì người phải nằm liệt giường trên 7 ngày do bệnh lý này có nguy cơ bị trầm cảm và rối loạn lo âu cao hơn khoảng 50 – 60%. Trong số bệnh nhân được chẩn đoán bị Covid thì có khoảng 21% xuất hiện triệu chứng trầm cảm sau tối thiểu 6 tháng, 44% bệnh nhân nhập viện do Covid có triệu chứng trầm cảm sau 6 – 16 tháng.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, dựa vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng do Covid gây ra có thể xác định được các bệnh rối loạn tâm thần hậu Covid ở từng bệnh nhân. Mức độ nặng của bệnh, thời gian bệnh nhân nằm liệt giường do bệnh có liên quan với nguy cơ gia tăng các triệu chứng rối loạn tâm thần. Đây cũng chính là nghiên cứu đầu tiên cho thấy sự liên quan giữa thời gian nằm liệt giường của bệnh nhân với nguy cơ bị rối loạn tâm thần sau khi đã khỏi Covid.
2. Một số rối loạn tâm thần hậu Covid hay gặp phải
2.1. Rối loạn stress
Trong một số rối loạn tâm thần hậu Covid hay gặp thì tình trạng này được xem là phổ biến nhất. Nó là dạng rối loạn xảy ra ở những bệnh nhân nặng, đã phải trải qua cơn thập tử nhất sinh, đã có người thân trong gia đình tử vong do Covid, người đã phải chứng kiến một số lượng lớn người tử vong do Covid hàng ngày. Biển hiện thường xuất hiện ở họ là:
- Hồi tưởng, cảm thấy và có hành động giống như là mình lại phải trải qua chấn thương. Khi tiếp xúc với người bị Covid hoặc người tử vong do bệnh lý này, họ sẽ có phản ứng căng thẳng hoặc thường xuyên có những giấc mơ, những ký ức đau buồn. Hệ lụy của tình trạng ấy là họ sưu tập và tìm kiếm một cách bừa bãi những gì có liên quan tới Covid.
- Tránh tất cả những hành động hay suy nghĩ có liên quan tới Covid, khả năng ghi nhớ giảm sút, có cảm giác mình không có tương lai, cảm thấy mình bị bỏ rơi, cảm thấy bất an với tất cả những gì xung quanh mình, có cuộc sống không bình thường, không thể có con,…
- Có triệu chứng tăng kích thích như: giật mình, khó chịu, mất ngủ, dễ cáu gắt một cách thái quá,…
Tình trạng rối loạn stress hậu Covid nếu kéo dài dưới 3 tháng được gọi là cấp tính nhưng nếu vượt qua 3 tháng sẽ trở thành mạn tính và cần phải điều trị lâu dài.
2.2. Rối loạn thích ứng
Những triệu chứng rối loạn thích ứng liên quan đến Covid có thể xuất hiện ngay sau khi người bệnh trải qua chấn thương tâm lý nhưng cũng có thể xuất hiện sau đó khoảng 3 tháng, biểu hiện khác nhau tùy theo độ tuổi. Biểu hiện của một số rối loạn tâm thần hậu Covid hay gặp dạng rối loạn thích ứng gồm:
- Trầm cảm: Người bị mắc dạng rối loạn này thường có khuôn mặt đau khổ, ngơ ngác, đánh mất đi sở thích trước đây, tâm lý bi quan và chán nản, không có hy vọng ở tương lai, hay than phiền, ngủ khó, ngủ kém, hay dậy sớm,… Không những thế, người bệnh còn luôn thấy mình bị mất năng lượng nên không muốn làm bất cứ điều gì. Họ dễ cáu giận, chán ăn, ăn không ngon miệng, lo lắng thái quá, buồn vô cớ, có thể tự sát,… Những triệu chứng này thường kéo dài nhiều tuần liền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh.
- Lo âu: Biểu hiện là người bệnh không thể kiểm soát được trạng thái lo lắng của mình. Chính vì thế mà tình trạng lo âu diễn ra ở người bệnh trong cả ngày dài. Cứ như thế, người bệnh phải sống trong cảm giác lo sợ suốt nhiều tuần, nhiều tháng nên đầu óc hay trống rỗng, khó tập trung, khó ghi nhớ, nếu phải suy nghĩ họ sẽ cảm thấy rất mệt mỏi,…
3. Lời kết
Những rối loạn tâm thần hậu Covid hay gặp như kể trên đây đã và đang làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của những người có tiền sử nhiễm Covid. Để tránh rơi vào trạng thái này, tốt nhất người bệnh nên cố gắng giữ cho mình tâm lý thoải mái, không dồn nén lo âu khi mắc bệnh. Nếu cảm thấy có dấu hiệu ảnh hưởng sức khỏe tâm thần, hãy tìm đến chuyên gia tâm lý để chia sẻ và được tư vấn hướng khắc phục kịp thời.
Nguồn: Medlatec