[ Zalo ][ Đặt hẹn ]

Nhiều trẻ béo phì nguy kịch vì sốc sốt xuất huyết

Trong hai tuần, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) tiếp nhận 4 trẻ cơ địa béo phì, suy hô hấp, suy đa tạng vì sốt xuất huyết.

sot xuat huyet nhieu tre beo phi nguy kich
sot xuat huyet nhieu tre beo phi nguy kich

Ngày 18/7, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc bệnh viện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết trường hợp nguy kịch nhất là bé gái 4 tuổi, nặng 22 kg, ngụ huyện Hóc Môn. Bệnh nhi được chuyển cấp cứu từ bệnh viện địa phương, trong tình trạng đã vào sốc sốt xuất huyết (giai đoạn nặng).

Dù được truyền dịch chống sốc ban đầu, song bệnh vẫn diễn tiến nặng. Trẻ suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, máu cô đặc, sốc kéo dài làm tổn thương gan thận, suy đa cơ quan. Các bác sĩ đã thực hiện nhiều biện pháp chống sốc tích cực, như thở máy, lọc máu giúp các cơ quan hồi phục.

Hai nam bệnh nhi khác, cùng 11 tuổi, sốc kéo dài, truyền cao phân tử HES 130.000 dalton không đáp ứng, đã phải truyền phối hợp thêm thuốc Albumin 10% mới thoát sốc. Hiện, cả 4 trẻ đã thoát nguy hiểm, dần hồi phục.

Điểm chung của các bệnh nhân này là đột ngột sốt cao liên tục trong 2-4 ngày. Sau đó trẻ hết sốt nhưng không khỏe hơn mà mệt mỏi, đi cầu phân đen, đau bụng nhiều, tay chân lạnh. Ngoài ra, các trẻ đều thuộc nhóm thừa cân, béo phì. Trong đó, bé gái 4 tuổi nặng 22 kg (cân nặng bình thường ở tuổi này là 16 kg); hai bé 11 tuổi nặng 53 và 55 kg (cân nặng bình thường ở tuổi này 35-36 kg), trẻ còn lại 14 tuổi, nặng 72 kg (cân nặng bình thường 40-45kg).

Tại Bệnh viện nhi đồng Thành phố hiện có hơn 100 trẻ sốt xuất huyết nhập viện điều trị, trong đó khoảng 15% là trẻ thừa cân, béo phì. Tỷ lệ này tương tự như những năm trước. Cùng kỳ năm ngoái, cơ sở này cũng điều trị 5 trẻ thừa cân sốc sốt xuất huyết.

Theo bác sĩ Tiến, trẻ dư cân, béo phì dễ vào sốc sốt xuất huyết hơn so với trẻ có cân nặng bình thường nên thường có tiên lượng nặng và phải nhập viện điều trị sớm. Đồng thời cần theo dõi tích cực tại các đơn vị hồi sức. Nguyên nhân là khi virus tấn công, hệ miễn dịch sẽ tạo ra kháng thể để tiêu diệt virus, tuy nhiên, lúc này hệ miễn dịch của trẻ béo phì thay vì tạo ra kháng thể trung hòa (có lợi) thì lại tạo kháng thể tăng cường miễn dịch (có hại).

Kháng thể tăng cường miễn dịch kết hợp chéo với một số kháng nguyên (mầm bệnh) khác của virus. Sự kết hợp này sẽ tạo thành phức hợp kháng nguyên – kháng thể, tác động lên trên thành mạch máu, tăng tính thấm thành mạch, tổn thương tế bào nội mạc. Từ đó dẫn đến thất thoát huyết tương trong mạch máu ra ngoài, khiến trẻ vào sốc, sốc kéo dài.

Bên cạnh đó, trẻ thừa cân dễ bị rối loạn chuyển hóa dẫn đến nhiều biến chứng nặng như suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan thận. Ngoài ra, trẻ béo phì khó có thể lấy ven, các kỹ thuật cấp cứu, hồi sức khác khó thực hiện hơn.

Khó khăn nhất trong điều trị cho nhóm này là điều chỉnh lượng dịch truyền phù hợp với thể trạng. Nếu truyền dịch theo cân nặng thật, trẻ có nguy cơ quá tải dịch, dẫn đến sốc kéo dài. Do đó, các bác sĩ phải tính toán điều chỉnh lượng dịch phù hợp với cân nặng, chiều cao, giới tính mỗi bệnh nhi.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo dịch sốt xuất huyết đang “nóng” tại miền Nam, số ca mắc mới, trở nặng và tử vong tăng rất cao so với các năm trước. Vì vậy, mỗi gia đình cần tích cực diệt muỗi, lăng quăng, ngủ trong mùng cả ban ngày và cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu bệnh sớm để trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.

Đặc biệt, nếu trẻ sốt cao đột ngột, trên hai ngày và có một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa vào bệnh viện ngay, gồm quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì; đau bụng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống.

Nguồn: Vnexpress

Đánh giá

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top