[ Zalo ][ Đặt hẹn ]

Quy trình xét nghiệm HIV để cho kết quả chính xác nhất

Nếu kết quả test nhanh cho thấy mẫu máu của người xét nghiệm dương tính với HIV thì vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn người đó đã nhiễm HIV, mà còn cần thực hiện một số xét nghiệm khác.

xet nghiem HIV quy trinh xet nghiem HIV duong tinh
Để khẳng định một người có nhiễm HIV hay không, cần làm xét nghiệm HIV nhiều lần.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết thông tin trên. Theo bác sĩ Cấp, trong xét nghiệm chẩn đoán HIV, có nhiều cấp độ khác nhau. Thứ nhất là test nhanh thì độ nhạy rất cao nhưng độ đặc hiệu thấp. Tức là những trường hợp có nguy cơ nhiễm HIV thì test nhanh có thể dương tính, tuy nhiên chưa thể khẳng định người đó đã nhiễm HIV. Bởi xét nghiệm này để sàng lọc chứ không khẳng định ai đó bị nhiễm HIV. Còn khẳng định thì phải ở các cấp độ xét nghiệm khác. Xét nghiệm này phải được thực hiện ở các labo chuẩn.

Theo quy định của Bộ Y tế, để chẩn đoán nhiễm HIV cho người từ 18 tháng tuổi trở lên, xét nghiệm cần làm là tìm kháng thể kháng HIV. Kháng thể này là những chất được hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra khi bị nhiễm HIV và phải có thời gian mới có thể phát hiện được. Khoảng thời gian này thường là 4-6 tuần đến 3 tháng sau khi bị nhiễm HIV, được gọi là giai đoạn cửa sổ.

Theo bác sĩ Cấp, nếu xét nghiệm tìm kháng thể kháng HIV được thực hiện sớm trong giai đoạn cửa sổ thì dù người đó đã bị nhiễm HIV nhưng kết quả vẫn có thể âm tính. Những trường hợp này, khi qua giai đoạn cửa sổ, kiểm tra lại sẽ có kết quả dương tính. Vì thế, để chẩn đoán nhiễm HIV ở những người từ 18 tháng tuổi trở lên bằng xét nghiệm tìm kháng thể kháng HIV, Bộ Y tế quy định là phải có kết quả dương tính của cả 3 xét nghiệm trên cùng một mẫu máu. Phương pháp này sử dụng 3 loại sinh phẩm khác nhau, trong đó 1 loại sinh phẩm có độ nhạy cao và 2 loại sinh phẩm còn lại có độ đặc hiệu cao. Các phương pháp đó gồm: Test nhanh, xét nghiệm ag/ab elisa và xét nghiệm anti HIV elisa. Chỉ cần 1 trong 3 xét nghiệm đó âm tính thì không được khẳng định nhiễm HIV mà phải kiểm tra lại sau 14 ngày.

Theo TS Hoàng Đình Cảnh, Cục phó Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), xét nghiệm HIV có thể được thực hiện tại các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và các viện khu vực đã được Bộ Y tế cấp phép. Chỉ có những cơ sở y tế được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV thì các kết quả xét nghiệm này mới được công nhận.

Theo Bộ Y tế, bản chất của xét nghiệm HIV là tìm kháng thể kháng virus HIV nên đòi hỏi cơ thể phải có thời gian đủ để sản sinh kháng thể – thời gian này gọi là giai đoạn cửa sổ, được tính khoảng từ 3 đến 6 tháng kể từ thời điểm nhiễm virus. Thông thường, giai đoạn cửa sổ kéo dài từ 3 đến 4 tháng. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp kéo dài nhiều hơn nhưng không quá 6 tháng.

Thời gian tốt nhất để đi xét nghiệm HIV lần 1 là sau 3 tháng từ khi có hành vi có nguy cơ lây nhiễm virus HIV. Lần 2 sau lần 1 khoảng 3 tháng. Với trẻ sơ sinh bị lây truyền từ mẹ thì chỉ có thể xác định chính xác sau khi bé đủ 18 tháng tuổi.

Thời gian để cho kết quả xét nghiệm HIV chính xác vào khoảng 3-6 tháng, vì lúc này cơ thể người bệnh mới sản sinh ra các kháng thể để chống lại virus HIV.

Theo Bộ Y tế, phát hiện sớm HIV sẽ tăng cơ hội điều trị, kìm hãm sự phát triển của virus bằng thuốc ARV và hạn chế lây bệnh cho người khác, vì thế những người có nguy cơ cao cần đi tư vấn, xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt.

Theo P.V (Phụ nữ Việt Nam)

Đánh giá

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top