Chiều 25/11/2020, thông tin từ Bệnh viện Đà Nẵng cho biết từ đầu năm đến hết tháng 9 chỉ ghi nhận có 4 ca mắc Whitmore. Nhưng trong chưa đầy 2 tháng mùa mưa đã có tới 28 người nhập viện vì bệnh này.
Cụ thể từ 1-10 đến 24-11, bệnh viện này tiếp nhận điều trị cho 28 ca bệnh Whitmore (còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người). Trong số này, các ca bệnh chủ yếu đến từ Quảng Nam, một số ở Nghệ An, Quảng Ngãi và Đà Nẵng…
Mới đây Bệnh viện Đà Nẵng đã ghi nhận 2 trường hợp người có vết bầm tím ở chân, tham gia dọn nước lụt rồi ủ bệnh dẫn đến phải nhập viện cấp cứu. Quá trình nhập viện các ngón chân bệnh nhân có mủ, không đi được, đồng thời bị tiêu chảy và sốt.
Các bác sĩ nhận định nếu không được cấp cứu kịp thời các bệnh nhân có nhiều nguy cơ tử vong.
Theo Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh Whitmore (Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống trong môi trường tự nhiên gây ra. Bệnh gây apxe, hoại tử nhiều cơ quan trong đó có da. Đây là bệnh ít gặp, không bùng phát thành dịch, tuy nhiên bệnh thường tiến triển rất nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt với những người đang mắc bệnh mãn tính.
Bệnh thường gặp vào mùa mưa, tập trung tháng 7 – 11 hằng năm.
Theo Bệnh viện Đà Nẵng, thời gian ủ bệnh trung bình là 9 ngày. Mức độ nghiêm trọng của bệnh dựa vào tình trạng nhiễm trùng nhưng đặc biệt nghiêm trọng đối với người bệnh tiểu đường, bệnh phổi mãn tính, bệnh thận mãn tính và ung thư…
Do chưa có văcxin điều trị, các bác sĩ khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh bệnh. Trong đó cần hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, bao gồm đất, nước, bùn lầy, đặc biệt là những nơi có ô nhiễm nặng.
Đối với người phải làm việc ngoài trời, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm bẩn cần trang bị thiết bị bảo bộ. Đặc biệt khi có vết thương hở trên da, vết loét hoặc bỏng, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm và chứa vi khuẩn…
TRƯỜNG TRUNG (Báo Tuổi Trẻ Online)