☰ MỤC LỤC
Hãng dược Pfizer (Mỹ) và Công ty BioNTech (Đức) vừa công bố vắcxin ngừa COVID-19 có hiệu quả phòng bệnh đạt tới hơn 90% trong các thử nghiệm lâm sàng trên người ở giai đoạn 3.
Thông tin tích cực này ngay lập tức thổi bùng lên hi vọng với cộng đồng thế giới trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 toàn cầu đã vượt mốc 51 triệu người và hơn 1,2 triệu người đã chết.
Hiệu quả cao
Báo cáo của Pfizer đánh giá 94 ca mắc COVID-19 đã được xác định trong số 43.538 người tham gia thử nghiệm. Theo đánh giá bước đầu, họ chưa ghi nhận biến chứng nghiêm trọng nào của vắcxin, dù vậy dữ liệu về độ an toàn, hiệu quả của vắcxin sẽ còn tiếp tục được thu thập.
Hiệu quả bảo vệ tới hơn 90% khiến BNT162b2 được kỳ vọng có tác dụng tương đương với các vắcxin có hiệu quả bảo vệ cao như vắcxin phòng sởi.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) cho biết họ có một ủy ban tư vấn vắcxin bên ngoài giúp đánh giá hiệu quả của mọi loại vắcxin ngừa COVID-19 và sẽ tiến hành công khai việc này.
Các thành viên trong ủy ban đó sẽ giúp mang lại đánh giá khách quan, bổ sung một bước thẩm định quan trọng với công tác thẩm định độc lập của đội ngũ nhân viên FDA. Chính ủy ban đó là nơi cuối cùng quyết định một loại vắcxin ngừa COVID-19 nào xứng đáng được FDA phê chuẩn, cấp phép lưu hành.
Chính FDA cũng khuyến nghị các hãng phát triển BNT162b2 rằng họ không nên nộp đơn xin phê chuẩn dùng khẩn cấp với thuốc này cho tới khi thu thập đủ dữ liệu an toàn sau hai tháng tiêm vắcxin trên ít nhất một nửa số tình nguyện viên.
Vẫn phải chờ
Thông cáo báo chí công bố ngày 9-11 của Pfizer tóm tắt các dữ liệu nghiên cứu đầu tiên từ chương trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với 44.000 người song vẫn chưa có dữ liệu về mức độ an toàn, bao gồm các kiểu phản ứng phụ gặp phải và mức độ nghiêm trọng của chúng đã được ghi nhận ra sao ở người tham gia thử nghiệm. Thông tin này có thể sẽ được cung cấp đầy đủ hơn trong hồ sơ xin cấp phép dùng khi khẩn cấp của Pfizer với FDA.
Chỉ khi Pfizer xin FDA cấp phép cho BNT162b2, người ta mới biết vắcxin này có hiệu quả với tất cả mọi người hay không vì những người lớn tuổi thường có hệ miễn dịch yếu hơn, hay trẻ em cũng có cơ chế phản ứng với vắcxin khác người lớn.
Pfizer cũng đang thử nghiệm vắcxin COVID-19 của họ trên những người có bệnh lý nền như HIV hay viêm gan C. Họ chủ động lựa chọn tình nguyện viên thuộc nhiều chủng tộc và dân tộc khác nhau để có sự đánh giá đa chiều nhất về tác dụng của BNT162b2.
Trong nghiên cứu của mình, Pfizer xác minh hiệu quả của vắcxin bằng cách so sánh xem có bao nhiêu người tham gia thử nghiệm lâm sàng đã nhiễm virus corona trong thời gian một tuần sau khi được tiêm liều thứ hai của vắcxin BNT162b2.
Tuy nhiên 7 ngày là khoảng thời gian cửa sổ ngắn, do đó giới khoa học vẫn mong muốn được biết liệu vắcxin này có thể kéo dài hiệu quả trong thời gian dài hơn không.
Theo Báo Tuổi Trẻ Online (D. Kim Thoa)