Qua thực tế và nghiên cứu ban đầu cho thấy, kháng kháng sinh tại Việt Nam đang ở mức độ nghiêm trọng. Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh và lạm dụng trong chăn nuôi góp phần gây ra tình trạng kháng kháng sinh.
Chiều 25/11/2020, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã tổ chức họp báo về chủ đề “Sử dụng kháng sinh đúng cách” nhân tuần lễ “Nâng cao nhận thức về phòng chống kháng thuốc”.
Tăng nguy cơ tử vong do không có thuốc chữa
Theo giới chuyên môn, lạm dụng thuốc kháng sinh của con người cũng như đối với động vật sau nhiều năm đã tạo điều kiện cho vi khuẩn xây dựng sức đề kháng với thuốc kháng sinh.
Tại buổi họp báo, ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết vấn đề kháng thuốc đang nổi lên trên toàn cầu đe dọa sức khỏe và tính mạng người dân. Việt Nam là một trong những nước có tình trạng kháng kháng sinh cao. Thời gian qua, Bộ Y tế đã rà soát hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm trùng, quản lý việc kê đơn thuốc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc.
Hiện, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của WHO đang triển khai nghiên cứu đánh giá về sử dụng kháng sinh tại 16 bệnh viện tuyến tỉnh và T.Ư, sẽ sớm có kết quả vào năm tới. Đó sẽ là cơ sở để có thêm các giải pháp cho việc sử dụng kháng sinh hợp lý.
Việt Nam đã ghi nhận các vi khuẩn thường gặp là nguyên nhân phổ biến gây viêm phổi, viêm đường tiết niệu, nhiễm trùng huyết… đã kháng kháng sinh, thậm chí kháng với nhiều loại kháng sinh bao gồm cả kháng sinh thế hệ mới. Vi khuẩn kháng và đa kháng thuốc khiến bệnh nhân phải kéo dài ngày điều trị, tăng nguy cơ tử vong do không có thuốc chữa. Trong vụ dịch Covid-19 vừa qua, đã có ca bệnh nhiễm vi rút SARS-CoV-2 bội nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc tử vong do vi khuẩn kháng lại các thuốc điều trị.
Phải sử dụng kháng sinh thận trọng và có trách nhiệm
Theo tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam, Việt Nam hiện là một trong 94 quốc gia trên thế giới tham gia hệ thống quản lý, giám sát và sử dụng kháng sinh do WHO triển khai. Mặc dù chưa có kết quả đầy đủ, nhưng qua thực tế và nghiên cứu ban đầu cho thấy, kháng kháng sinh tại Việt Nam ở mức độ nghiêm trọng. Không chỉ kiểm soát trên người, cần tăng cường kiểm soát sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp (bao gồm chăn nuôi, trồng trọt).
Thông tin tại họp báo, đại diện Tổ chức Nông lương thế giới ước tính, trong 10 năm tới, lượng kháng sinh dùng trong chăn nuôi dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi, đáp ứng cho nhu cầu thực phẩm từ dân số ngày càng gia tăng. Việc sử dụng kháng sinh và lạm dụng trong chăn nuôi góp phần gây ra tình trạng kháng kháng sinh. Do đó, sử dụng kháng sinh cho động vật cũng phải đúng chỉ định; kháng sinh phải được sử dụng thận trọng và có trách nhiệm, như vậy có thể làm chậm lại sự phát triển và lây lan của vi khuẩn kháng thuốc.
Theo Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, bộ này đang lấy 2.100 mẫu giám sát kháng kháng sinh thí điểm trên gà, lợn, đối với một số vi khuẩn thường gặp để đánh giá mức độ kháng với 20 loại kháng sinh.
Liên Châu (Báo Thanh Niên Online)