Thói quen tập dục mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là hiệu quả giảm mỡ, tăng cơ cũng như thay đổi vóc dáng. Tuy nhiên, chúng ta cần cân nhắc kỹ khi quyết định tập luyện vào buổi tối, trừ trường hợp quá bận rộn.
Cortisol (hormone điều hòa stress) sẽ đạt đỉnh điểm vào buổi sáng và khiến cơ thể tỉnh giấc. Ngược lại, hormone này ở ngưỡng thấp nhất vào buổi tối khi chúng ta có xu hướng nghỉ ngơi, mong muốn được thư giãn. Đây là cơ chế tự nhiên của cơ thể.
Các cơ quan sẽ ưu tiên sự phục hồi sau một ngày làm việc, dẫn đến cảm giác thèm ngủ, ăn ngon miệng. Quan trọng hơn, đây là thời điểm HGH (hormone tăng trưởng) tiết ra nhiều hơn, yếu tố trực tiếp giúp cơ bắp phát triển. Việc tập luyện vào buổi tối vô tình đẩy lượng cortisol lên ngưỡng cao, ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ. Kèm theo đó, khả năng phục hồi của cơ bắp không được đảm bảo.
Ngoài ra, vận động cuối ngày còn làm tăng nguy cơ dị hóa cơ bắp (cơ thể sử dụng năng lượng từ cơ bắp thay vì mỡ). Nguyên nhân là lúc này, cơ thể có xu hướng phân hủy đạm (protein) cao hơn. Myostatin – protein có nhiệm vụ kiểm soát sự phát triển cơ bắp – cũng tăng cao vào buổi tối. Điều này gây khó khăn cho việc xây dựng cơ bắp.
Tuy nhiên, trong trường hợp quá bận rộn và phải tập luyện vào buổi tối, bạn cũng không nên lo lắng. Trên thực tế, nhiều người vẫn phát triển cơ bắp rất tốt dù họ tập lúc tối muộn, thậm chí ban đêm.
Một số người có khả năng chìm vào giấc ngủ rất tốt. Cơ thể những người này có nồng độ chất dẫn truyền thần kinh như GABA hoặc Serotonin cao. Các chất này có khả năng đưa cơ thể về trạng thái thư giãn, giúp cơ bắp phục hồi nhanh. Để tối ưu kết quả, một số trường hợp thậm chí sử dụng thêm chất kích thích cơ bắp hay những loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ.
Tuy nhiên, đa số chúng ta là những người tập luyện thông thường, không có mục tiêu thi đấu. Do đó, việc sử dụng các chất này là không cần thiết. Mọi người nên cố gắng sắp xếp công việc, thời gian khoa học để đạt hiệu quả tập luyện tốt nhất.
Theo Zing