Chỉ số GGT là một trong 04 chỉ số men gan GGT, ALP, AST, ALT. GGT là enzyme nhạy hơn ALP, AST, ALT trong phát hiện vàng da tắc mật, viêm đường mật, viêm túi mật, đồng thời cũng là enzyme tăng sớm hơn và kéo dài hơn các enzyme còn lại.
1. Chỉ số GGT là gì?
GGT là một enzyme gắn ở màng tế bào, có vai trò xúc tác vận chuyển nhóm gamma – glutamyl từ các phân tử như glutathione tới chất nhận có thể là amino acid, peptide…
GGT đóng vai trò chủ đạo trong việc tổng hợp và giáng hóa của glutathione, thuốc, các chất xenobiotic. GGT có mặt ở nhiều loại mô như thận, đường mật, tụy, tim, não, …
Mặc dù mô thận là nơi có nồng độ GGT cao nhất trong cơ thể, nhưng sự hiện diện của GGT trong máu chủ yếu có nguồn gốc từ hệ thống gan mật. Hoạt độ GGT tăng cao trong tất cả các bệnh lý gan mật, đặc biệt là các trường hợp tắc mật tại gan và sau gan, hoạt độ GGT có thể tăng 5-30 lần so với giới hạn bình thường. GGT là enzyme nhạy hơn ALP, AST, ALT trong phát hiện vàng da tắc mật, viêm đường mật, viêm túi mật, đồng thời cũng là enzyme tăng sớm hơn và kéo dài hơn các enzyme còn lại.
Tăng hoạt độ GGT trong máu có thể đến từ các cơ chế sau:
- Tăng tổng hợp GGT do cảm ứng bởi thuốc và rượu
- Tổn thương màng tế bào: GGT được giải phóng bởi các độc chất (bao gồm cả rượu), hậu quả của thiếu máu tổ chức, tổn thương tế bào gan vì nhiễm virus
- GGT bị tách khỏi màng tế bào do tác dụng hoạt động bề mặt của acid mật, tổn thương đường mật gây giải phóng GGT vào máu dẫn đến hoạt độ GGT tăng cao trong máu
Hoạt độ GGT tăng có thể gặp trong các tình huống lâm sàng cụ thể như sau:
- Bệnh lý gan, mật: viêm gan cấp và mạn, viêm gan nhiễm trùng, viêm gan do rượu, xơ gan, ung thư gan, vàng da ứ mật, thoái hóa mỡ gan.
- Các thâm nhiễm gan: tăng lipid máu, u lympho, kén sán lá gan, lao, bệnh sarcoidose, áp xe, ung thư di căn gan.
- Bệnh lý ứ mật: xơ gan do mật tiên phát, viêm đường mật xơ hóa, sỏi mật, ung thư biểu mô đường mật.
- Các tổn thương tụy tạng: viêm tụy cấp, viêm tụy mạn, u bóng Valter.
- Các tổn thương thận: hội chứng thận hư, ung thư biểu mô thận.
2. Ý nghĩa của chỉ số GGT trong xét nghiệm men gan
Mức độ GGT trong máu rất nhạy cảm với những thay đổi của chức năng gan. Bình thường, GGT trong máu ở mức độ thấp, nhưng khi gan bị tổn thương, mức độ GGT có thể tăng lên.
GGT là men gan tăng cao trong máu khi có bất kỳ các ống dẫn mật từ gan xuống ruột bị tắc nghẽn bởi khối u hoặc sỏi. Điều này làm cho xét nghiệm GGT là enzyme gan nhạy cảm nhất trong việc phát hiện các vấn đề về ống mật.
Tuy nhiên, đo hoạt độ GGT không phải là xét nghiệm chuyên biệt và không phải là hữu ích trong sự phân biệt giữa các nguyên nhân khác nhau của tổn thương gan bởi vì nó có thể được tăng lên với nhiều loại bệnh gan (ung thư gan và viêm gan siêu vi), bệnh khác như bệnh mạch vành tim cấp tính.
Khi uống một lượng rượu nhỏ cũng có thể làm tăng GGT. Tăng cao hơn được tìm thấy trong nghiện rượu mạn tính, nặng hơn nữa ở những người tiêu thụ 2-3 ly mỗi ngày hoặc những người uống rất nhiều vào những dịp tiệc tùng. Xét nghiệm GGT có thể được sử dụng trong việc đánh giá một người lạm dụng rượu cấp tính hoặc mạn tính (GGT tăng trong khoảng 75% người uống rượu mãn tính). Đôi khi nó có thể được sử dụng để giám sát việc sử dụng rượu hoặc lạm dụng rượu ở những người đang được điều trị nghiện rượu, viêm gan do rượu.
Cả hai chỉ số GGT và ALP tăng lên trong các bệnh gan, nhưng ALP cũng tăng cao với các bệnh của mô xương. Vì vậy, GGT có thể được sử dụng giúp xác định bệnh gan hoặc bệnh xương khi có ALP tăng.
Sử dụng tỷ lệ GGT/ALT có thể hỗ trợ chẩn đoán phân biệt giữa tắc mật và bệnh lý do tổn thương màng tế bào gan.
Một kết quả GGT thấp hoặc bình thường cũng không loại bỏ được người đó không bị bệnh gan hoặc không uống rượu. Thuốc có thể làm tăng mức độ GGT bao gồm phenytoin, carbamazepine, và an thần như phenobarbital.
Sử dụng nhiều loại thuốc theo toa và thuốc không kê đơn khác, bao gồm các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), thuốc hạ lipid máu, kháng sinh, thuốc chẹn thụ thể histamin (được sử dụng để điều trị nhằm giảm tiết acid trong dạ dày), các thuốc kháng nấm, thuốc chống trầm cảm, và hormone sinh dục như testosterone có thể làm tăng nồng độ GGT.
3. Khi nào cần xét nghiệm chỉ số GGT
Chỉ định xét nghiệm GGT nên được sử dụng trong những trường hợp sau:
- Chẩn đoán và theo dõi bệnh lý gan mật: GGT được xem là thông số enzyme nhạy nhất đối với bệnh lý ở gan. Khi có các biểu hiện trực tiếp hoặc gián tiếp có liên quan đến các bệnh lý gan – mật, GGT là một trong những xét nghiệm đầu tay cần được chỉ định.
- Xác định việc tăng ALP có nguồn gốc từ bệnh lý xương (GGT bình thường) hay tăng do bệnh lý gan mật (cả GGT và ALP đều tăng).
- Test sàng lọc và theo dõi chứng nghiện rượu bị che giấu (occult alcoholism)
4. Chỉ số GGT bao nhiêu là bình thường
Giá trị tham chiếu của GGT trong máu khác nhau tùy theo từng hãng cung cấp hóa chất, thường gặp, giá trị tham chiếu như sau:
- Nam: <55U/L
- Nữ: < 38 U/L
5. Chỉ số GGT bao nhiêu là nguy hiểm
Có thể phân thành 3 mức độ tăng GGT trong máu như sau:
- Tăng nhẹ (< 2 lần): gan nhiễm mỡ
- Tăng vừa (2-5 lần): viêm gan virus, sử dụng thuốc, xơ gan
- Tăng cao: (> 5 lần): tắc mật, xơ gan rượu
Chỉ số GGT tăng cao chính là dấu hiệu bất thường của gan. Khi gan bị tổn thương nhẹ thì chỉ số GGT tăng gấp 2 lần, tổn thương trung bình chỉ số GGT tăng từ 2- 5 lần, tăng gấp trên 5 lần là gan đã bị tổn thương khá nặng.
Nếu chỉ số GGT lên đến 5.000 UI/L thì người đó có thể đã bị viêm gan cấp hoặc ung thư gan.
6. Xét nghiệm chỉ số GGT ở đâu ?
Bạn có thể xét nghiệm chỉ số GGT ở bất kỳ phòng khám, bệnh viện nào có máy xét nghiệm sinh hóa.
Nếu bạn không có thời gian tới các cơ sở y tế hoặc bạn không có thời gian chờ đợi để lấy máu, bạn cũng có thể sử dụng dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà của Medi Health Care tại TP.HCM, điều dưỡng viên sẽ tới tận nhà/ cơ quan để lấy mẫu xét nghiệm, kết quả xét nghiệm nhanh chóng sau một vài giờ.