[ Zalo ][ Đặt hẹn ]

Nhiễm giun lươn – Bệnh nguy hiểm không thể chủ quan

Giun lươn là ký sinh trùng nguy hiểm và phổ biến nhất trong số các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa. Chúng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm liên quan đến cơ quan tiêu hóa, não, tim, phổi, gan mật, hô hấp… thậm chí đe dọa tính mạng con người.

1. Sơ lược về giun lươn

Giun lươn Strongyloides stercoralis, là loài giun tròn thuộc chi Strongyloides, họ Strongyloididae, bộ Rhabditida. Chi Strongyloides có hơn 50 loài, nhưng hầu hết không gây bệnh ở người. Người là vật chủ (đối tượng bị thiệt hại, nơi ký sinh, cư trú) của giun lươn, ngoài ra có thể có ở một số động vật khác như khỉ, vượn, chó… Ấu trùng giun lươn xâm nhập qua da, niêm mạc vào trong cơ thể.

Nhiễm giun lươn Strongyloides stercoralis được biết đến lần đầu tiên vào năm 1876, do bác sỹ Louis Normand phát hiện được ở một số bệnh nhân từng là lính viễn chinh Pháp đã cư trú tại Miền Nam Việt Nam có tiêu chảy kéo dài, Normand đã tìm thấy trong phân của họ một loại giun chưa từng được mô tả trước đó, và đã được xác định như là tác nhân gây bệnh “ỉa chảy Nam kỳ”.

Theo số liệu ước tính, hiện nay giun lươn Strongyloides stercoralis gây ảnh hưởng đến khoảng 30 – 100 triệu người trên toàn thế giới, chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới như Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), châu Phi, châu Mỹ Latin cận Sahara và một phần của miền Đông Nam Hoa Kỳ. Trong đó, tỷ lệ nhiễm giun lươn và tái nhiễm khá cao, ước chiếm khoảng 1 – 2% dân số.

hinh anh giun luon
Hình ảnh giun lươn dưới kính hiển vi

Người bị nhiễm bệnh do ấu trùng giun lươn xâm nhập qua da đi vào cơ thể khi tiếp xúc với đất bị ô nhiễm.

Ngoài ra, người có thể nhiễm bệnh qua cơ chế tự nhiễm do giun lươn cái đẻ trứng, sau đó trứng phát triển thành ấu trùng hoặc đẻ ấu trùng và thành giun trưởng thành ngay trong ruột. Người có suy giảm miễn dịch dễ bị nhiễm bệnh.

vong doi cua giun luon
Sơ đồ biểu diễn vòng đời của giun lươn

2. Nhiễm giun lươn có nguy hiểm không ?

Nhiễm giun lươn đường ruột Strongyloides stercoralis là bệnh đứng thứ tư trong các bệnh nhiễm giun đường ruột quan trọng trên toàn thế giới. Giun lươn có thể gây ra các tổn thương tại các cơ quan trong cơ thể, như:

  • Tổn thương ống tiêu hóa:Tổn thương tại ống tiêu hóa do giun lươn xảy ra trên tất cả các đoạn của ống tiêu hóa (thực quản, dạ dày, ruột non, đại tràng) với các mức độ tổn thương khác nhau.
  • Tổn thương ở ruột non: Ruột non là nơi giun trưởng thành sống kí sinh. Tổn thương tại ruột non được chia làm 3 mức độ viêm ruột xuất tiết, viêm ruột phù nề và viêm loét niêm mạc.
  • Tổn thương ở đại tràng: Ấu trùng giun lươn từ ruột non, xuống đại tràng và theo phân ra ngoài. Khi đi qua đại tràng, giun lươn gây nên các tổn thương đại tràng mạn tính từ viêm đại tràng, loét, sa ruột mạn tính, viêm ruột xuất huyết và xuất huyết tiêu hóa dưới nặng. Sự hình thành ổ loét ở đại tràng phổ biến hơn ở ruột non gây nên tình trạng có máu trong phân.
  • Tổn thương thực quản, dạ dày: Thường gặp tổn thương dạ dày khi ấu trùng giun lươn di chuyển qua dạ dày tới ruột non hoặc trong nhiễm giun lươn nặng lan tỏa. Biểu hiện viêm tại chỗ tại dạ dày có thể từ không có sự đáp ứng đến có sự thâm nhiễm tế bào và u hạt xung quanh, nặng hơn có thể thấy mất niêm mạc, xung huyết, xuất huyết, hoại tử. Khi thấy tổn thương dạ dày thường tìm thấy giun lươn và tổn thương do giun lươn tại thực quản.
  • Tổn thương ở da: Tổn thương da đặc hiệu do giun lươn là tổn thương viêm da liên quan đến sự di trú của ấu trùng ở da, nhưng thường khó tìm thấy ấu trùng giun lươn khi sinh thiết tổn thương da, thường chỉ thấy trên những cơ địa suy giảm miễn dịch. Ngoài ra tổn thương da do giun lươn còn có thể biểu hiện ngứa, phát ban, mày đay, viêm da, phù nề, xuất huyết.
  • Tổn thương các hệ cơ quan:
    • Tổn thương hệ hô hấp: Tổn thương hệ hô hấp do giun lươn tương đối đa dạng, từ không có tổn thương và không có sự phá hủy nhu mô phổi, đến xung huyết, thâm nhiễm phế nang, xuất huyết vi thể, xuất huyết ồạt.
    • Tổn thương hệ gan mật: Ít khi có tổn thương gan mật trong nhiễm giun lươn, thường gặp trên những bệnh nhân nhiễm giun lươn nặng lan tỏa. Tổn thương có thể là viêm tại chỗ được bao quanh bởi các tế bào đơn nhân, hoặc tìm thấy ấu trùng giun lươn trong đường mật, tĩnh mạch cửa, hoặc mảnh mô giun được bao bọc bởi tế bào học.
    • Tổn thương hệ sinh dục – tiết niệu: Trong đường tiết niệu, giun lươn tìm thấy trong nhu mô thận với biểu hiện thâm nhiễm nhiều tế bào viêm và trong bàng quang. Trong hệ sinh dục, người ta đã tìm thấy giun lươn trong dịch phết cổ tử cung âm đạo trên người phụ nữ khỏe mạnh và trong tinh dịch của bệnh nhân nam giới vô sinh.
    • Tổn thương thần kinh trung ương: Tại màng não, tổn thương thường biểu hiện viêm màng não do vi khuẩn. Trong nhu mô não, giun lươn có thể được tìm thấy trong chất trắng và quanh các mạch máu, thường được bao quanh bởi vùng mô có thoái hóa myelin, bạch cầu đơn nhân có thể tạo nên các u hạt.

3. Dễ dàng tái nhiễm

Ấu trùng giun lươn xâm nhập qua da, niêm mạc vào trong cơ thể. Trong cơ thể, giun cái đẻ trứng, trứng nở thành ấu trùng hoặc đẻ ấu trùng và phát triển thành giun trưởng thành ngay trong ruột gây bệnh cho người.

Tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm bệnh khi có tiếp xúc với đất, cát có ấu trùng giun lươn. Bệnh có thể dễ dàng tái nhiễm.

4. Nhận biết triệu chứng

Người nhiễm giun lươn thường có một số triệu chứng thường gặp sau:

  • Rối loạn tiêu hóa, trong đó tiêu chảy là triệu chứng thường gặp nhất, có thể kéo dài trên 2 tuần và xen kẽ đợt táo bón.
  • Đau bụng (thường đau ở vùng thượng vị, hạ sườn phải kèm theo buồn nôn và nôn).
  • Dị ứng (ngứa, nổi mẩn đỏ tại vị trí xâm nhập qua da hoặc nổi mề đay kéo dài rải rác toàn thân).
  • Ngoài ra, có thể có các triệu chứng như: mệt mỏi, biếng ăn, sút cân, thiếu máu, viêm ruột, viêm loét tá tràng, đại tràng, xuất huyết tiêu hóa, viêm khớp, rối loạn nhịp tim, hội chứng thận hư và ho, hen phế quản.
hinh anh nhiem giun luon
Hình ảnh nhiễm giun lươn

Người có những biểu hiện nghi ngờ bị nhiễm giun lươn nên đến khám chuyên khoa ký sinh trùng để được xét nghiệm xác định bệnh, chữa trị càng sớm càng tốt.

5. Chẩn đoán nhiễm giun lươn

Do không có triệu chứng đặc hiệu, chẩn đoán nhiễm giun lươn phải được đặt ra ở tất cả các bệnh nhân có những triệu chứng lâm sàng gợi ý, bao gồm đau bụng, tiêu chảy, nổi mề đay; đặc biệt trên các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ (suy giảm miễn dịch, sử dụng corticoids kéo dài,…). cùng với xét nghiệm tế bào máu ngoại vi có tăng bạch cầu ái toan cần được làm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định nhiễm giun lươn.

– Tìm giun lươn trong phân

  • Soi phân trực tiếp
  • Kỹ thuật tập trung Baermann: ngâm phân và nước ấm trong 3 – 5 giờ đểấu trùng giun lươn từ phân tập trung trong nước, mở kẹp ống cho nước chảy xuống tách khỏi phân, lấy lượng nước thu được đem quay ly tâm rồi soi dưới kính hiển vi tìm ấu trùng giun lươn.

– Tìm giun lươn trong cơ thể

  • Soi dịch dạ dày
  • Soi đờm hoặc dịch hút phế quản
  • Soi các dịch khác: dịch ổ bụng, dịch màng phổi, dịch não tủy, nước tiểu

– Xét nghiệm huyết thanh học

  • Phản ứng huyết thanh miễn dịch men ELISA : Phương pháp phát hiện kháng thể IgG với kháng nguyên của ấu trùng filariform trong cơ thể
  • Kỹ thuật ngưng kết hạt gelatin gián tiếp
  • Kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang
  • Kỹ thuật miễn dịch kết tủa
  • Ở Việt Nam hiện nay sử dụng phương pháp ELISA trong chẩn đoán giun lươn.

Theo Bộ Y tế, trường hợp bệnh nghi ngờ nhiễm giun lươn là người có tiền sử tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc sống trong vùng có dịch lưu hành; bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng hướng tới bệnh giun lươn.

Bệnh nhân cần được chẩn đoán bệnh chính xác, phân biệt với viêm loét dạ dày tá tràng; chẩn đoán phân biệt với ấu trùng giun móc; bệnh ấu trùng giun đầu gai.

6. Phòng ngừa nhiễm giun lươn

Điều trị giun lươn sẽ mất nhiều thời gian và chi phí, do vậy, việc phòng bệnh hơn chữa bệnh luôn được ưu tiên hàng đầu. Mỗi người nên lưu ý các vấn đề dưới đây để hạn chế nhiễm bệnh, tái nhiễm bệnh và lây bệnh trong cộng đồng:

  • Vệ sinh phòng dịch: quản lý tốt phân, nước và rác thải trong môi trường sống. Vệ sinh môi trường khu vực gần nhà, trong nhà và các khu vực vui chơi của trẻ nhỏ.
  • Vệ sinh cá nhân: Xây dựng nếp sống văn minh, luôn rửa tay trước khi ăn, khi chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, không ăn rau sống khi chưa được rửa sạch.
  • Định kỳ 2 lần/ năm cần được tẩy giun, mỗi lần cách nhau 4 – 6 tháng.
  • Đảm bảo luôn sử dụng bảo hộ lao động trong khi làm việc có tiếp xúc với đất, đặc biệt là khu vực đất nhiễm phân người.
  • Tăng cường sức đề kháng cơ thể bằng cách bổ sung rau quả tươi, sạch, luyện tập thể dục hàng ngày, và giúp tránh tình trạng suy giảm miễn dịch, tránh gây bùng phát dịch.
  • Nâng cao ý thức người dân trong việc dọn vệ sinh cộng đồng, xây dựng hệ thống cống rãnh và xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, mọi người nên đi làm xét nghiệm định kỳ bệnh giun sán từ 6 tháng đến 1 năm một lần. Đặc biệt chú ý làm xét nghiệm kiểm tra với trẻ em. Đối tượng này dễ nhiễm giun sán do còn chưa có ý thức trong vệ sinh hàng ngày. Hậu quả từ việc nhiễm giun sán với trẻ khá lớn như còi xương, suy dinh dưỡng, kém tiếp thu, kém tập trung. Vì vậy nên kiểm tra, phòng tránh, phát hiện và xử trí tình trạng này ở trẻ sớm nhất có thể.

Tham khảo:

Đánh giá

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top