☰ MỤC LỤC
Rệp giường là một trong số những loài sinh sôi nhanh và hút máu khủng khiếp nhất, gây ngứa rát, nổi mẩn đỏ khắp cơ thể, đặc biệt phía sau lưng.
1. Rệp giường là con gì?
Rệp giường tên khoa học là Cimex lectularius, một loài côn trùng nhỏ, chiều dài khoảng 6mm, hình bầu dục và dẹt, giống bọ ve hoặc gián con.
Rệp giường chỉ ăn máu người, với giác quan nhạy bén, chúng phát hiện “con mồi” ngay cả trong điều kiện hoàn toàn không có ánh sáng. Rệp giường di chuyển nhanh, có khả năng sinh sản cao (một con cái có thể đẻ tới 500 trứng), khả năng duy trì sự sống (có thể sống trong ba tháng mà không cần kiếm ăn).
Rệp giường cư trú nhiều tại các vùng nhiệt đới, thích hút máu người và chỉ có thể sống sót nhờ vào vật chủ máu nóng. Tất cả các cá thể rệp giường đều có phần miệng đã được biến đổi để cắn vật chủ.
Một đặc điểm khác khiến chúng sinh sôi nhanh là tập tính sinh sản kỳ lạ. Con đực tiêm tinh trùng trực tiếp vào bụng con cái bằng cách sử dụng một cơ quan giống như ống tiêm. Quá trình này được gọi là thụ tinh trong ống tiêm.
Rệp giường dễ thích nghi ở mọi môi trường, có thể rúc vào quần áo, đồ đạc, hành lý và nhiều vật dụng khác. Chúng thường ẩn náu trong các vết nứt và kẽ hở cách giường vài centimet, ra ngoài để kiếm ăn khi con người đã ngủ say, sau đó trở về nơi ẩn náu để giao phối và đẻ trứng.
2. Rệp giường nguy hiểm thế nào ?
Rệp giường được cho là vật chủ trung gian truyền hơn 40 loại bệnh cho các loài vật khác. Tuy nhiên, đến nay có rất ít bằng chứng cho thấy rệp giường truyền bệnh sang người. Trong một số ít trường hợp, nhiễm trùng quá mức do rệp giường cắn có thể dẫn đến mất máu nghiêm trọng, gây thiếu máu nói chung.
Vết cắn của rệp giường thường gây mẩn đỏ, ngứa ngáy, biến mất sau một tuần hoặc lâu hơn. Một số người có da mẫn cảm phản ứng nghiêm trọng hơn, như phát ban, mụn nước hoặc dị ứng.
Rệp giường cắn cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý. Ký sinh trùng này gây căng thẳng, lo lắng và mất ngủ. Người bị rệp giường cắn thường cảm thấy e sợ và xấu hổ về cơ thể mình.
Nghiên cứu về những người bị rệp giường cắn cho thấy khoảng một nửa trong số đó bị khó ngủ, cô lập với xã hội. 81% các nghiên cứu khác chỉ ra rằng nạn nhân của rệp giường bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương, giật mình khi ngủ và tăng cảnh giác. Nhiều người bị ám ảnh và dọn dẹp phòng ốc liên tục.
3. Phòng tránh rệp giường bằng cách nào?
Theo các chuyên gia, cách đơn giản để ngăn ngừa rệp giường là giữ sạch nhà cửa, đồ nội thất, loại bỏ các vật dụng không cần thiết. Khi vào khách sạn, mỗi người nên đặt hành lý vào phòng tắm và kiểm tra đồ đạc trước tiên bằng cách kéo ga trải giường, xem đệm có rệp giường hoặc các đốm đen hay không.
Sau khi đi du lịch, mọi người cần dỡ hành lý bên ngoài phòng ngủ, giặt tất cả quần áo bằng nước nóng và sấy ở nhiệt độ cao nếu có thể. Các chuyên gia khuyến cáo không nên mua đệm hoặc giường đã qua sử dụng.
Tham khảo: VnExpress