Các nhà khoa học cho biết chủng mới của nCoV ở Anh có thể trở nên phổ biến, song phải mất nhiều năm mới kháng được các loại vaccine hiện có.
Ngay khi vaccine được phê duyệt, mở ra cánh cửa hy vọng thoát khỏi đại dịch, giới chức Anh cảnh báo khẩn cấp về chủng nCoV mới dễ lây lan hơn trước đó. Virus nhanh chóng tràn qua London và các khu vực lân cận, Thủ tướng Boris Johnson buộc phải áp đặt lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất của đất nước kể từ tháng 3 đến nay. Ông nói: “Khi virus thay đổi cách tấn công, chúng ta cũng phải điều chỉnh phương pháp phòng thủ”.
Các ga tàu hoả tại London chật kín người cố gắng rời khỏi thành phố trước khi lệnh cấm có hiệu lực. Hôm 20/12, nhiều quốc gia châu Âu bắt đầu đóng cửa biên giới đối với người dân từ Anh để ngăn chặn chủng virus mới xâm nhập.
Tại Nam Phi, đột biến tương tự đã xuất hiện. Virus được tìm thấy trong 90% các mẫu bệnh phẩm tại lục địa này kể từ giữa tháng 11.
Chủng biến thể được sử dụng để chỉ các chủng virus có một số thay đổi về “trình tự gene” của chúng so với bản gốc được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 12/2019. Sự biến đổi về “trình tự gene” của virus là hiện tượng tự nhiên vì trong quá trình lây nhiễm, sinh sản, chúng đã sao chép bộ gene của chính mình và tạo lỗi. Đến nay, số lượng chủng biến thể nCoV được phát hiện bằng phương pháp giải trình tự bộ gene từ người bệnh ngẫu nhiên lên tới vài nghìn, tuy nhiên con số thực tế có thể cao hơn.
Thực tế, một số biến chủng trở nên phổ biến chỉ là do tình cờ, không có nghĩa những thay đổi khiến virus trở nên ưu việt hơn. Song khi đã có vaccine và nhiều quần thể người xuất hiện khả năng miễn dịch, mầm bệnh khó tồn tại hơn. Các nhà khoa học cho rằng virus sẽ có những đột biến khiến chúng lây lan dễ dàng hoặc thuận lợi trốn tránh hệ miễn dịch.
Jesse Bloom, chuyên gia sinh học tiến hóa tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, cho biết: “Đây mới là nguy cơ mà chúng ta cần chú ý. Chắc chắn đột biến này sẽ lan rộng. Là những người làm khoa học, chúng tôi cần theo dõi và xác định đặc tính nào có tầm ảnh hưởng”.
Chủng nCoV ở Anh có khoảng 20 đột biến. Trong đó, một số đột biến thay đổi về cách thức tiếp xúc và lây nhiễm tế bào người. Muge Cevik, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học St. Andrews ở Scotland, cố vấn khoa học cho chính phủ Anh, nhận định các đột biến có thể sao chép và lây truyền hiệu quả hơn. Giới chức nước này cho biết tỷ lệ lây nhiễm của nó có thể cao hơn tới 70%. Nhưng phân tích này chỉ dựa trên mô hình dịch tễ chưa được thẩm định trong các phòng thí nghiệm, tiến sĩ Cevik nói thêm.
“Trên hết, tôi nghĩ ta cần có thêm dữ liệu thử nghiệm. Chúng tôi không loại trừ khả năng mức độ lây nhiễm cao phụ thuộc vào hành vi của con người”, bà nói.
Các nhà khoa học Nam Phi cho rằng hoạt động của người dân mới là nguyên nhân dẫn đến đại dịch, chứ không phải biến chủng mới.
Báo cáo mới của Anh cũng làm dấy lên lo ngại nCoV có thể tiến hóa đến mức độ kháng được những vaccine vừa ra mắt. Họ phỏng đoán một số thay đổi trong mã di truyền của virus bảo vệ nó trước các kháng thể nhất định.
Song chuyên gia cho rằng phải mất nhiều năm, thay vì vài tháng, để virus đủ sức kháng lại vaccine.
“Không nên lo lắng về một đột biến siêu nhiên nào đó khiến tất cả kháng thể và hệ miễn dịch trở nên vô dụng”, tiến sĩ Bloom nói.
Ông cho biết thêm: “Đó sẽ là quá trình dài, xảy ra trong nhiều năm, đòi hỏi nhiều lần đột biến. Nó không giống như công tắc bật-tắt”.
Chủng mới của virus chỉ đáng lo ngại khi những người từng mắc bệnh hoặc người tiêm vaccine tái nhiễm trở lại dù trong cơ thể vẫn tồn tại kháng thể.
Song các phân tích khoa học không mấy quan trọng với các nước láng giềng của Anh. Lo ngại du khách mang theo biến thể mới nhập cảnh, Hà Lan cho biết sẽ đình chỉ các chuyến bay khởi hành ở Anh kể từ 20/12 đến ngày 1/1.
Italy cũng đóng cửa các đường bay và Bỉ đã ban hành lệnh cấm 24 giờ đối với người đến từ Anh bằng đường hàng không và tàu hoả. Đức đang có động thái tương tự.
Tại Anh, các quan chức thông báo sẽ tăng số lượng cảnh sát tại các trung tâm như ga tàu để đảm bảo người dân chỉ thực hiện các chuyến đi thiết yếu. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock, hôm 20/12 cho rằng, những người tháo chạy khỏi London “rất vô trách nhiệm”. Ông cũng cho rằng các hạn chế mới có thể kéo dài trong nhiều tháng.
Giống với các loại mầm bệnh, nCoV có thể thay đổi hình dạng. Các đột biến về di truyền hầu như không quan trọng, song một số có thể mang lại lợi ích cho virus.
Các nhà khoa học lo ngại về khả năng thứ hai. Đặc biệt là khi việc tiêm chủng hàng loạt có thể thúc đẩy nCoV phải thích nghi. Đột biến từ đó giúp virus trốn tránh hoặc chống lại phản ứng miễn dịch.
Đột biến còn có khả năng ảnh hưởng đến tính nhạy cảm của virus với kháng thể. Trong một số trường hợp, virus tự loại bỏ vài phần trong mã di truyền để thích nghi. Hiện tượng này đã xuất hiện ít nhất ba lần: ở chồn Đan Mạch, người dân Anh và một bệnh nhân bị ức chế miễn dịch, trở nên ít phản ứng với liệu pháp huyết tương.
“Mầm bệnh liên tục lây truyền, phát triển và thích nghi với môi trường”, Ravindra Gupta, chuyên gia virus tại Đại học Cambridge, nhận định.
Tiến sĩ Deepti Gurdasani, chuyên gia dịch tễ lâm sàng tại Đại học Queen Mary, London, cho biết ban đầu, các nhà khoa học nghĩ rằng nCoV khá ổn định và không thể thoát khỏi phản ứng miễn dịch do vaccine tạo ra.
“Nhưng trong vài tháng qua, có thể thấy rõ đột biến vẫn xảy ra. Khi chọn lọc tự nhiên tăng lên cùng với công tác tiêm chủng hàng loạt, tôi nghĩ đột biến này có thể trở nên phổ thông hơn”, bà nói.
Tin tốt là công nghệ được sử dụng trong vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna dễ dàng điều chỉnh, cập nhật hơn nhiều so với liều tiêm thông thường. Các loại vaccine mới cũng tạo ra phản ứng miễn dịch lớn, vì vậy, nCoV có thể cần đột biến trong nhiều năm trước khi cần sửa đổi vaccine, tiến sĩ Trevor Bedford, nhà sinh học tiến hóa tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, nói.
Thục Linh (Theo NY Times, BMJ)
Nguồn: VnExpress